Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF): Cơ chế đối thoại thường xuyên từ doanh nghiệp
Khánh An - 12/07/2016 10:05
 
Cam kết không vì lợi ích nhóm của các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đang mở ra một cơ chế đối thoại mới giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN

Cơ chế đối thoại mới

Cuối tuần trước, Sách Trắng VPSF 2016 – cơ hội, thách thức và giải pháp đã chính thức được phát hành. Nhưng, hơn 135 trang,gồm Tuyên bố chung và 10 tuyên bố chuyên đề của 7 ngành và 3 lĩnh vực kinh tế ghi nhận ý kiến của hàng nghìn doanh nghiệp không phải là kết quả cuối của của VPSF trong năm nay.

Thậm chí, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh  nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch VBSF 2016 cho rằng, đây mới chỉ là điểm khởi đầu cho cơ chế đối thoại mới mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng.

VPSF 2016 là điểm khởi đầu cho cơ chế đối thoại mới mà Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng.
VPSF 2016 là điểm khởi đầu cho cơ chế đối thoại mới mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng.

“1 tháng sau Phiên toàn thể của VPSF 2016 không đủ để chúng tôi có ngay được kết quả của các kiến nghị tại Diễn đàn. Nhưng chúng tôi tin rằng, khi cuốn Sách Trắng với các nội dung đề xuất chi tiết, dựa trên những phân tích từ các góc nhìn thực tiễn của doanh nghiệp trong các ngành được gửi tới các bộ, ngành, các đại biểu quốc hội, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một diễn đàn hay một cuốn sách”, ông Bùi Văn Quân nói.

Một danh sách các công việc tiếp theo cũng như kế hoạch của VPSF 2017 đã được vạch ra. Bộ máy thường trực của VPSF sẽ được xây dựng, theo sát khuyến nghị của Diễn đàn để có các cuộc làm việc với từng bộ, ngành liên quan tới 10 ngành, nghề, lĩnh vực đã được đặt ra. Nghĩa là, tần xuất các cuộc đối thoại giữa VPSF và các bộ, ngành sẽ khá dày đặc.

“Chúng tôi xác định cơ chế đối thoại là liên tục và lâu dài. Điều quan trọng không chỉ là các khuyến nghị của doanh nghiệp sẽ đến được các cơ quan hoạch định chính sách mà là sự phản hồi từ phía các cơ quan này. Mục tiêu cuối cùng là các cơ chế, chính sách được ban hành sẽ phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp theo đúng định hướng”, ông Quân nói.

Ngày 03/06/2016, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) 2016 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân Vùng Mekong (MBI) tổ chức diễn ra tại Hà Nội.

Trên 700 doanh nhân tham gia, đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong 7 ngành và 3 lĩnh vực kinh tế, gồm kinh tế số; nông nghiệp; đào tạo và dạy nghề; phân phối và logistic; thị trường tài chính và huy động vốn; phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; hội nhập và toàn cầu hóa; khởi nghiệp và sáng tạo; cụm liên kết ngành.

Doanh nghiệp cam kết từ bỏ lợi ích nhóm

Cũng phải nói thêm, Sách Trắng VPSF 2016 cũng sẽ được gửi tới 10.000 doanh nhân hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông Đào Huy Giám, Tổng cố vấn Diễn đàn cho rằng, ông kỳ vọng vào sự lan tỏa trong cách tiếp cận mới của doanh nghiệp về cơ chế đối thoại, tham gia xây dựng chính sách của doanh nghiệp.

Ở góc độ tư vấn của Diễn đàn từ những ý tưởng đầu tiên, vào cuối năm 2015, nên ông Giám nhìn thấy khá rõ hiện trạng trong tư duy cũng như cách thức tham gia xây dựng chính sách của phần đông doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

“Lâu nay, doanh nghiệp thường có thói quen xin cái này, đề xuất được hỗ trợ cái kia khi tham gia xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này là cần, nhưng không đủ trong xu hướng phát hiện đại, trong xu thế Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo. Đây là lúc doanh nghiệp và Chính phủ cần ở vị thế song hành, đối tác phát triển hơn là đối tượng quản lý đơn thuần”, ông Giám chia sẻ quan điểm.

Các tuyên bố chuyên đề đã được xây dựng theo mô hình mới, đó là dựa trên nền tăng doanh nghiệp tự xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó cần nhắc những việc có thể tự làm, những cơ chế cần sự hỗ trợ của Chính phủ hay của các đơn vị, tổ chức khác, như các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quốc tế… Đặc biệt, sự phát tiển của các ngành đều được nhìn xuyên suốt trong sự vận động của chính sách trong 30 năm đổi mới kinh tế của Việt Nam và yêu cầu mới của hội nhập.

“Việc đối thoại trên cơ sở hiểu rõ mình cần gì, Chính phủ có thể làm được gì của VPSF đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của từng doanh nghiệp trong từng ngành, nghề, lĩnh vực. Công việc sẽ không chỉ là vài tháng nghiên cứu, đề xuất để đưa ra được Tuyên bố trong Sách Trắng 2016 mà sẽ là cơ chế đối thoại trực tiếp với các bộ, ngành giữa các kỳ Diễn đàn. Cách làm này đòi hỏi sự chủ động và liên kết chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Giám nói.

Không dễ thực hiện được cơ chế làm việc này. Đơn giản là nhu cầu của các doanh nghiệp trong cùng ngành nhiều khi không chỉ khác nhau mà là đối đầu trực tiếp, nên sẽ không dễ đưa ra tuyên bố chung thỏa mãn tất cả.

Bản thân ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Chủ tịch Phiên Phát triển Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ của VPSF 2016 đã thẳng thắn cho rằng, không có gì để biện minh cho sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn.

“Doanh nghiệp tư nhân lớn sẽ phải coi lợi thế của mình hiện có là sứ mênh, cần mang những lợi thế đó chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị”, ông Dương nói.

Đây là lý do mà tại Phiên toàn thể VPSF, ông Dương đã thẳng thắn kêu gọi và cam kết không hoạt động vì lợi ích nhóm.

“Cách tiếp cận đó khẳng định ý chí đoàn kết và tự cường. Những vấn đề nêu lên để tham vấn – đối thoại là những vấn đề chung, không vì lợi ích nhóm, mà vì sự tiến bộ chung”, ông Giám nhận định. Ông cũng tin rằng, tư duy mới sẽ tạo nên vị thế mới cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Ý kiến - nhận định:

 Đối thoại vì một môi trường kinh doanh minh bạch là điều đặc biệt cần thiết…
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

 Thông tin về những doanh nghiệp phá sản buộc chúng ta phải suy nghĩ. Đồng hành, hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các hội viên trong giai đoạn này là trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Việc củng cố, phát triển tổ chức cơ sở hội, phát triển hội viên; tạo cầu nối liên kết giữa hội viên ở các ngành nghề, vùng miền đòi hỏi giải pháp thiết thực. Tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ban ngành để nói lên hạn chế, bất cập trong cơ chế, từ đó đưa ra và hiến kế cho Chính phủ những giải pháp vì môi trường kinh doanh, minh bạch là giải pháp đặc biệt cần thiết…

Doanh nghiệp tư nhân cần một cơ chế đối thoại minh bạch và hiệu quả
Bà Từ Thu Hiền, Giám đốc MBI tại Việt Nam

MBI hỗ trợ VPSF bởi 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, Chính phủ cần nghe những đề xuất, phản hồi và ý kiến cụ thể từ doanh nghiệp, để từ đó hiểu rõ hơn nhu cầu của doanh nghiệp, giúp Chính phủ xây dựng các chính sách quy định hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân trong nước Việt Nam có nhu cầu đối thoại trực tiếp với Chính phủ trong khuôn khổ một cơ chế đối thoại minh bạch và hiệu quả.

Đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ là con đường tốt nhất để đạt được hiểu biết chung cần có.

Doanh nghiệp không còn là đối tượng của các cơ quan quản lý nhà nước
Ông Lê Vĩnh Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà

Hội nhập kinh tế đỏi hỏi doanh nghiệp cải thiện nhanh và mạnh về năng lực cạnh tranh. Chính phủ đang có những hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt. Có thể kể tới Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Doanh nghiệp đã cảm nhận được khá nhiều thay đổi trong ứng xử của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Điểm rõ nhất là doanh nghiệp đã không còn là đối tượng của các cơ quan quản lý nhà nước, mà là đối tác.

Mọi chuyển biến cần có thời gian, nhưng doanh nghiệp sẽ phát huy vị thế đối tác này, đặc biệt trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ liên kết với nhau, với các đối tác khác để thực hiện có trách nhiệm vai trò này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư