Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điện gió vẫn cần đòn bẩy về giá
Thanh Hương - 28/08/2018 08:47
 
Giá bán điện gió dù chưa hấp dẫn như điện mặt trời, nhưng vẫn có những nhà đầu tư quyết tâm triển khai dự án.
TIN LIÊN QUAN

Gió vẫn thổi 

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ra chấp thuận cho 3 nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh có tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng với dự kiến vào hoạt động năm 2020. Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh được triển khai trên tổng diện tích 2.747 ha tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, với công suất thiết kế 78 MW, gồm 18 - 19 cột tuabin gió.

Ba nhà đầu tư trên gồm Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam, Công ty Janakuasa Pte. Ltd. và ông Lâm Minh - đều là những đối tác có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong ngành điện, sẽ thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh để thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh.

Mức giá mua 7,8 UScent/kWh được áp dụng từ năm 2011 chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vào làm điện gió.
Mức giá mua 7,8 UScent/kWh được áp dụng từ năm 2011 chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vào làm điện gió.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ti Chee Liang, Giám đốc điều hành Công ty Janakuasa Pte Ltd., đồng thời là Chủ tịch Công ty Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho hay, các nhà đầu tư đã triển khai việc đo gió tại thực địa từ 1 năm nay. “Chúng tôi đặt mục tiêu Dự án sẽ vào hoạt động trong quý II/2020. Hiện giá mua điện gió đã có theo quy định của Chính phủ là 7,8 UScent/kWh, song cũng cần có thời gian triển khai các công việc khác để hoàn tất Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với kinh nghiệm đã có từ việc triển khai Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, chúng tôi kỳ vọng việc đàm phán PPA này sẽ hoàn tất sớm”, ông Ti Chee Liang nói. 

Janakuasa cũng đã mời Công ty phát điện Ratchaburi (Thái Lan) đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho Dự án. “Ratchaburi có nhiều kinh nghiệm qua các dự án điện gió ở Thái Lan, Australia và nhiều nước khác. Chúng tôi sẽ giới thiệu những công nghệ mới nhất cho Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh”, ông Peerawat, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư của Ratchaburi cho hay. 

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, đây là dự án điện gió thứ 4 được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án điện gió với tổng công suất thiết kế 192 MW, thực hiện trên địa bàn xã Trường Long Hoà (thị xã Duyên Hải) và xã Đông Hải (huyện Duyên Hải).

Theo kế hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tỉnh Trà Vinh quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, trong đó có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, 2 nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và 1 nhà máy tại xã Đông Hải.

Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270 MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh.

Chờ đòn bẩy giá

Là nhà đầu tư trong Dự án nhiệt điện than Duyên Hải 2 được triển khai theo hình thức BOT, ông Ti Chee Liang cũng cho hay, thu xếp vốn cho Dự án điện gió Hiệp Thạnh không phải là vấn đề lớn với các nhà đầu tư khi thực tế họ đã có những dự án khác quy mô lớn hơn nhiều.

Trước đó, Dự án BOT Duyên Hải 2 quy mô 1.200 MW có vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, trong đó vốn vay là 1,8 tỷ USD. “Theo yêu cầu của Dự án, sau khi ký PPA vào tháng 12/2015, Dự án phải hoàn tất thu xếp vốn trong 12 tháng nếu không sẽ bị lấy lại. Dù đây là mục tiêu rất căng, nhưng tháng 12/2016, dự án đã đóng tài chính và đang triển khai xây dựng. Bởi vậy, mốc phát điện cuối năm 2020, đầu năm 2021 của Nhiệt điện Duyên Hải 2 sẽ được đảm bảo”, ông Ti Chee Liang nói. 

Dẫu vậy, mức giá 7,8 UScent/kWh được áp dụng từ năm 2011 tới nay cho điện gió cũng được cho là chưa hấp dẫn để các nhà đầu tư dốc sức phát triển nguồn năng lượng sạch này, nhất là khi so với giá mua điện mặt trời đang ở 9,35 UScent/kWh. 

Được biết, Bộ Công thương vào năm ngoái đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, trong đó đề xuất tăng giá mua điện gió đất liền lên 8,77 UScent/kWh, trên biển là 9,97 US cent/kWh. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có gì thay đổi. 

Ông Lâm Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho biết, đây là dự án điện gió làm ngoài khơi, đầu tư có những khó khăn hơn so với các dự án trên đất liền. Trước đó, Dự án điện gió Bạc Liêu trên biển cũng đã được hưởng mức giá 9,8 UScent/kWh. 

“Dù hiện tại giá mua điện gió chưa được điều chỉnh,  nhưng tôi tin là Chính phủ hiểu được lợi ích của các nguồn điện sạch này và sẽ sớm có những điều chỉnh về giá mua cho điện gió, để khuyến khích các nhà đầu tư”, ông Ti Chee Liang nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư