Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Điện Quang đặt cược vào chiến lược đa quốc gia
Anh Hoa - 25/11/2014 08:54
 
Chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài của Điện Quang đang được rốt ráo thực hiện. Tuy nhiên, với những bất lợi dai dẳng, tham vọng này được xem như một ván bài mà Công ty đặt cược cả vận mệnh của mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Reuters: Viettel sẽ đầu tư 1 tỷ USD phủ 3G tại Tanzania
Viglacera sang Cuba đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng
Doanh nghiệp Việt đầu tư 894 triệu USD ra nước ngoài
Doanh nghiệp Việt chinh chiến xứ người

Cứ điểm tại Venezuela

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã: DQC) giữ được thị phần lớn nhất là nhờ xuất khẩu và liên tục cho ra đời sản phẩm mới. Sản phẩm của DQC có mặt tại hơn 30 quốc gia, với doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 300 tỷ đồng trong tổng doanh thu 795 tỷ đồng của Công ty năm 2013.

  Điện Quang đặt cược vào chiến lược đa quốc gia  
  Chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài của Điện Quang đang được rốt ráo thực hiện  

Để tránh sự cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu mạnh của nước ngoài, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT DQC đã lựa chọn chiến lược ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường có nhiều điểm tương đồng và chưa có thương hiệu nội địa mạnh. Dù gặp thách thức về vị trí địa lý, khác biệt văn hóa và chi phí khá cao, song ông Hưng vẫn quyết tâm “bắt tay” với đối tác để cùng chiếm lĩnh thị trường.

Và Venezuela là cơ hội thị trường không thể bỏ qua đối với DQC. Năm 2008, công ty này tham gia Dự án Khu liên hợp sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện VietVen tại Venezuela, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, trong đó, DQC đóng góp 30%. Khu liên hợp đã đi vào hoạt động và sản xuất ổn định được 2 năm, cung cấp các sản phẩm tiết kiệm điện cho các chương trình của Chính phủ Venezuela. Việc đầu tư vào dự án này cũng vấp phải những nghi ngờ của nhiều người, nhưng ông Hưng tự tin sẽ không có rủi ro.

“Chúng tôi xác định rõ: không liên doanh khi không nắm một trong 2 yếu tố là công nghệ và thị trường, còn tài chính chỉ là một phần. Phía đối tác cũng có kế hoạch rõ ràng rằng, đến năm 2017, khi nhà máy hoàn thành theo kế hoạch sẽ cung ứng cho thị trường nội địa, sau đó xuất khẩu sang các nước xung quanh”, ông Hưng nói và cho biết, trong quá trình tham gia thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, DQC cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp và sẵn sàng đầu tư khi có cơ hội.

Thế nhưng, ở những quốc gia có sự hiện diện của thương hiệu Điện Quang, DQC đang phải đối mặt với hiện tượng hàng giả, hàng nhái, mà không có cách nào chống lại và phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

“Tại thị trường Myanmar, người bán hàng còn hỏi thẳng khách hàng muốn mua DQC nhái hay thật. Chúng tôi có thuê luật sư, nhưng chưa thành công do một vài yếu tố luật pháp tại đây. Vì thế, trước mắt, chưa có giải pháp triệt để”, ông Hưng cho biết.

Cuộc đua với đối thủ ở thị trường trong nước

Dù doanh thu xuất khẩu đóng góp hơn 30% vào tổng doanh thu của DQC và đặt mục tiêu tăng trưởng 15 - 20%/năm, song vận mệnh của công ty này vẫn phụ thuộc vào thị trường trong nước.

Trên thị trường hiện có khoảng 20 thương hiệu đang cạnh tranh với nhau. DQC được biết đến như thương hiệu Việt Nam đánh bật được sản phẩm Trung Quốc trên thị trường nội địa, nhưng chiến thắng đó không đủ để công ty này ăn ngon, ngủ yên.

DQC phải cạnh tranh với cả những ông lớn như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL), Philips, Osram, Toshiba, Panasonic...

Philips mặc dù xuất hiện muộn ở Việt Nam, nhưng với lợi thế là một thương hiệu lớn trên thế giới cùng thế mạnh về công nghệ, doanh nghiệp này đã có những bước tiến mạnh mẽ và đặt mục tiêu tăng trưởng 30 - 40% ở thị trường Việt Nam trong 2014 và các năm tiếp theo.

Trong khi đó, trước sự tăng trưởng mạnh của các đối thủ, RAL buộc phải đưa ra những chính sách để duy trì và chiếm lĩnh thị phần. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư vào công nghệ, tăng năng lực sản xuất, RAL cũng dành nguồn lực cho việc duy trì và mở rộng thị phần, đặc biệt là thị trường miền Trung và miền Nam - những thị trường không phải thế mạnh của RAL.

Trước tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, cộng với việc các mặt hàng chủ lực như đèn huỳnh quang, đèn compact đang đến ngưỡng bão hòa, các công ty trong ngành đang tìm mọi cách để đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng hoặc mở rộng thị phần.

Đối với DQC, Công ty đang tập trung vào 2 khâu là phát triển thương hiệu và trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D). Với 50 nhân viên, trong 3 năm qua, Trung tâm R&D đã đưa ra khoảng 600 sản phẩm mới. Đặc biệt, trong việc phát triển sản phẩm mới, công ty đi theo theo 2 hướng: phát triển sản phẩm mới với các tính năng nổi trội, độc đáo mà thị trường chưa có; cải tiến sản phẩm hiện tại để giảm giá thành, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.

Trong đó, sản phẩm mới cần đáp ứng được những nhu cầu chuyên biệt. Chẳng hạn, sản phẩm đèn compact chống ẩm đạt chuẩn quốc tế IP 65 về chống thấm, chống bụi, thích hợp sử dụng thắp sáng ngoài trời, trong sản xuất nông - ngư nghiệp, bộ đèn DoubleWing - đèn huỳnh quang giải pháp hoàn hoản cho 2 bộ đèn huỳnh quang 1,2 m. Sản phẩm đèn LED các loại với giá cả phù hợp...

Giới phân tích cho rằng, đây là chiến lược hợp lý, bởi DQC không thể cạnh tranh về giá so với đối thủ chính của mình là RAL, nên phải chọn cho mình hướng đi tập trung vào những sản phẩm mang tính riêng biệt. Với sự đóng góp của đèn LED, doanh thu cả năm đến từ thị trường nội địa dự kiến đạt 601 tỷ đồng trong năm nay, tăng 24% so với năm 2013.

Bài toán nhân sự

Với kinh nghiệm doanh nghiệp của mình, 4 năm trước, ông Hồ Quỳnh Hưng bắt đầu điều hành DQC thay thế chị gái của mình là bà Hồ Thị Kim Thoa (hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương), với cương vị Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Dưới sự dẫn dắt của ông, DQC đã vượt qua thời kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế và có những bước tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2013, DQC đạt doanh thu như kỳ vọng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, với doanh thu tăng 26%, lợi nhuận trước thuế tăng 149,7% so với năm 2013. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty đạt 76% kế hoạch năm, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 278% kế hoạch năm, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, thành công đó là nhờ vào nền tảng trải qua các thế hệ lao động để lại. Hiện tại, bên cạnh những vấn đề về sản phẩm, công nghệ, thì nhân lực đang là thách thức lớn đối với DQC, dù văn hóa dùng người trẻ ở Điện Quang đã trở thành truyền thống, có từ các thời kỳ lãnh đạo trước.

DQC là công ty về công nghệ, nên đòi hỏi khả năng sáng tạo cao. Công ty này không ngại dùng người trẻ và luôn tạo điều kiện để mọi người phát huy khả năng của mình. Trong 40 năm qua, độ tuổi bình quân của người lao động chỉ là 32 tuổi.

Trước đây, quản trị nguồn nhân lực thông qua chính sách, chế độ. Điều này là quan trọng, nhưng theo ông Hưng, là chưa đủ. “DQC đang tìm kiếm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động. Chúng tôi mời cả tư vấn để tìm ra những cách thức phù hợp và hiệu quả nhất, như tăng lương định kỳ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, có chính sách cổ phiếu thưởng cho nhân viên…”, ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó có thể cũng chưa đủ để níu giữ người tài khi các đối thủ cũng luôn rình rập để lôi kéo họ đi với lời mời hấp dẫn hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư