Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điện, than phải đảm bảo được yêu cầu tăng trưởng, phát triển đất nước
Thanh Hương - 19/01/2016 21:02
 
Sáng nay, 19/1/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch Than 60).

Thảo luận tại cuộc họp, các Phó thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã tập trung tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những nội dung lớn trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VII về hiện trạng điện lực quốc gia, kiểm điểm đánh giá thực hiện Quy hoạch điện VII; cập nhật dự báo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2030 và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; cập nhật chương trình phát triển nguồn điện, chương trình phát triển lưới điện và cân đối nguồn năng lượng sơ cấp; cập nhật nhu cầu vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả chương trình phát triển điện lực quốc gia;…

Nhiều ý kiến khẳng định Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII là một dự án lớn, có vai trò ảnh hưởng đặc biệt quan trọng không những đối với phát triển ngành điện nói riêng mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân nói chung. Nội dung Đề án được thực hiện công phu với các tính toán chuyên sâu. Kết quả thu được đã thể hiện sự cố gắng cao và sự công tác chặt chẽ của tập thể chuyên gia thực hiện Đề án với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng. Những nội dung của Điều chỉnh Quy hoạch điện VII không những làm cơ sở cho việc quản lý và điều hành ngành điện của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn có ý nghĩa định hướng cho các nhà đầu tư quan tâm vào phát triển ngành điện.

Các ý kiến cũng đã đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch 60, chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được các mục tiêu của Quy hoạch này; nêu quan điểm phát triển bền vững ngành than; công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến than; hạ tầng phục vụ khai thác than; việc cân đối cung cầu và định hướng xuất, nhập khẩu than;…Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm bổ sung, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp cho chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hoạt động của ngành điện, ngành than thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ đặc lực cho sự nghiệp xây dựng và triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra cũng như trước những diễn biến của tình hình, việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch điện, than cho giai đoạn 2016-2020 và có tính đến năm 2030 là cần thiết, cấp bách. Việc cập nhật này cũng là hoạt động thường xuyên, bình thường nhằm đáp ứng cho các yêu cầu mới đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới 2016-2020 và có tính đến năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn điện, than cho đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, gắn với phát triển bền vững và công tác bảo vệ môi trường sinh thái. “Năng lượng, trong đó có điện, than có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng mà không bảo đảm đủ năng lượng thì sẽ khó có thể thực hiện được; đây là hạ tầng kinh tế-xã hội có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp cũng như ý kiến đã đóng góp của các Bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch Quy hoạch điện VII và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60) để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt sau đó triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2016 để đảm bảo năng lượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2016-2020 và xa hơn nữa là đến năm 2030.

Khẳng định vai trò quan trọng cũng như sự đóng góp của hạ tầng năng lượng đối với sự nghiệp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ngành điện không những bảo đảm đủ điện và có dự phòng; ngành than không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng, phục vụ sản xuất trong nước và có xuất khẩu; năng suất cũng như chất lượng, hiệu quả của ngành ngày càng tốt hơn; khẳng định được vai trò của các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong bảo đảm đủ năng lượng cho đất nước mà 2 ngành này còn chuyển đổi từng bước thành công sang cơ chế thị trường; đồng thời nhà nước cũng bảo đảm các chính sách phù hợp hỗ trợ về điện đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Về quy hoạch, chiến lược phát triển phát triển ngành điện, ngành than thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu điện, than phải đảm bảo được các yêu cầu cho tăng trưởng, phát triển đất nước với tầm nhìn cho hàng chục năm tới. Tính toán, cân đối đủ điện, than và phải có dự phòng; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn; sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm được tiêu hao điện năng; đảm bảo an toàn tuyệt đối với hệ thống hạ tầng về điện, than, hạn chế thấp nhất sự cố liên quan đến điện, than. Bên cạnh đó, phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề về môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...

Về điện hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành điện và ngành than cần tiếp tục kiên trì cơ chế thị trường, tiến tới cạnh tranh, không độc quyền, không bao cấp về giá và giá phải trên giá thành sản xuất, bảo đảm lợi nhuận để tái đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm năng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực này, quyết liệt trong đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới quản trị, hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường đầy đủ.

Đầu tư gần 30 tỷ USD cho nguồn và lưới điện
Kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho nguồn và lưới điện là 600.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư