Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội rất nhân văn
Mạnh Bôn - 27/05/2015 08:46
 
Quan điểm của ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc có cho người lao động được nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay không - vấn đề mà Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên làm việc ngày 27/5.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội đều khẳng định, quy định không cho người lao động hưởng BHXH một lần (Điều 60, Luật BHXH năm 2014) rất nhân văn, được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện. Vậy tại sao, cả 2 cơ quan này đều kiến nghị, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH?

Tất cả thông tin, dữ liệu mà 2 cơ quan trên cung cấp cho đại biểu Quốc hội về việc hầu hết các nước trên thế giới đều không cho người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận bảo hiểm một lần, nếu có họ cũng đưa ra các điều kiện hết sức ngặt nghèo là hoàn toàn chính xác.

 

Tôi vừa đi nghiên cứu về chính sách BHXH của Vương quốc Anh và được biết, kể từ ngày 1/5/2015, người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng được nhận bảo hiểm 1 lần, nhưng không phải là nhận toàn bộ số tiền đóng bảo hiểm. Cụ thể, chính sách BHXH của Anh quốc và nhiều nước trên thế giới chia ra làm 2 phần. Một phần được gọi là bảo hiểm hưu trí phổ quát hay còn gọi là bảo hiểm hưu trí cơ bản, phần này bất di bất dịch, người lao động từ khi bắt đầu đóng cho đến khi hết tuổi lao động không được rút ra trừ trường hợp đặc biệt. Phần còn lại được gọi là hưu trí bổ sung, hay còn gọi là bảo hiểm hưu trí nghề nghiệp, thì người lao động được nhận một lần khi không tiếp tục tham gia bảo hiểm nữa, tùy thuộc vào các điều kiện khác nhau.

Nhưng Việt Nam chỉ có một loại BHXH, nếu không cho người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu nhận một lần thì họ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống?

Nhưng người lao động khi thất nghiệp, mất việc làm sẽ được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động và trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng nhiều quyền lợi khác về an sinh xã hội. Như vậy, mặc dù Việt Nam chỉ có một loại BHXH, nhưng với các chính sách hiện hành, người lao động sau khi mất việc làm, thất nghiệp cũng không quá khó khăn.

Nói như vậy có thể hiểu ông không ủng hộ sửa đổi Điều 60, Luật BHXH năm 2014?

Cần phải nói lại cho rõ rằng, người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Các vấn đề xã hội… không kiến nghị sửa đổi Điều 60, mà chỉ đề nghị bổ sung 1 khoản cho phép người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận bảo hiểm 1 lần sau 1 năm không tiếp tục tham gia bảo hiểm nữa.

Tôi đồng ý với đề nghị này, vì chính sách nào cũng hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Một bộ phận người lao động, do đặc thù công việc, thu nhập, sau một thời gian tham gia bảo hiểm, không tiếp tục làm việc ở khu vực lao động chính thức nữa, họ trở về quê hoặc tự kinh doanh, buôn bán, làm việc ở khu vực không chính thức, chưa có điều kiện hoặc không muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, muốn nhận lại số tiền đã đóng bảo hiểm thì cũng nên giải quyết quyền lợi chính đáng cho họ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bổ sung trường hợp được nhận bảo hiểm một lần không phải là bước lùi so với quy định hiện hành, mà còn là bước tiến, bởi bảo đảm được quyền lợi của từng nhóm, từng bộ phận người lao động và phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta.

Nhưng lại không phù hợp với chủ trương mở rộng BHXH theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 và chính sách an sinh xã hội bền vững?

Nghị quyết 15-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Mục tiêu này nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người dân và cũng phù hợp với các nước trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải sử dụng nhiều giải pháp, chính sách khác nhau, trong đó việc hạn chế trả BHXH một lần chỉ là một giải pháp.

Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, Luật BHXH năm 2014 đề ra rất nhiều giải pháp, quan trọng bây giờ là phải tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, nếu không nhận bảo hiểm một lần, mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm, thì người lao động sẽ được hưởng nhiều lợi ích như khi tiếp tục đóng bảo hiểm trở lại được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu; trong thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm, nếu không may bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần)…

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực: Người nghỉ hưu năm 2016, 2017 có bị thua thiệt?
Chỉ 7 tháng nữa, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ có hiệu lực. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư