Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Điều chỉnh hồ sơ Gói thầu thang máy Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An: Quá tam… chưa chuẩn
Ngọc Tuấn - 12/09/2016 08:09
 
Mặc dù đã 3 lần chỉnh sửa hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An, nhưng vẫn còn đó những biểu hiện vi phạm pháp luật về đấu thầu trong HSMT để dựng lên những rào cản nhà thầu trong nước.
TIN LIÊN QUAN

Bỏ yêu cầu xuất xứ nhập ngoại

Theo đó, Quyết định số 251/QĐ-SYT được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Lê Thanh Liêm ký ban hành ngày 30/8/2016 với nhiều nội dung trong HSMT được thay đổi. Nhiều nhà thầu đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng và cầu thị từ phía UBND tỉnh Long An và chủ đầu tư khi sửa những bất cập phản ánh trên Báo Đầu tư qua ý kiến của các nhà thầu.

Cụ thể, phần kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm yêu cầu “số lượng tối thiểu các hợp đồng cung cấp và lắp đặt thang máy mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn (≥95%) với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), hoặc tư cách nhà thầu phụ (chỉ tính giá trị phần việc do nhà thầu thực hiện) trong vòng 5 năm trở lại đây: Số lượng hợp đồng cung cấp và lắp đặt thang máy là 3 hợp đồng, trong đó có tối thiểu 1 hợp đồng có giá trị ≥30 tỷ đồng”. Với thay đổi này, HSMT mở rộng cửa cho các nhà thầu phụ tham gia dự thầu. Tuy nhiên, các nhà thầu phụ chỉ tính giá trị phần việc do mình thực hiện ở các hợp đồng trong lịch sử. Sự thay đổi này làm HSMT phù hợp theo quy định tại Thông tư 05/2015/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An, Dự án đang tồn tại nhiều lùm xun về đấu thầu.
Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An, dự án đang tồn tại nhiều lùm xun về đấu thầu.

Sự thay đổi chính yếu trong lần thay đổi thứ 3 này là về phạm vi cung cấp hàng hóa, với việc loại bỏ yêu cầu xuất xứ “nhập khẩu 100% nguyên đai nguyên kiện” đối với các loại thang máy tải gường bệnh, tải khách… Cần nhắc lại là, trước đây, chủ đầu tư đã cương quyết bảo lưu quan điểm dùng thang máy nhập ngoại do được sự thống nhất chủ trương của UBND tỉnh Long An. Sự thay đổi mới nhất vừa giúp HSMT không vi phạm quy định phân biệt đối xử đối với hàng hóa trong nước, đồng thời mở toang cánh cửa cho hàng hóa sản xuất trong nước tham gia ứng thầu. Việc cho phép hàng hóa sản xuất trong nước tham gia cạnh tranh bình đẳng còn loại bỏ được tình trạng bất nhất được quy định trước đó, khi đưa quy định ưu đãi cho nhà thầu cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ ≥25% trở lên vào HSMT. Điều này sẽ tăng sức cạnh tranh, giảm giá thành gói thầu làm lợi cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, trong Mục 2.3 cũng đã bỏ yêu cầu “một số vật tư phụ của thang máy như giá đỡ ray, ốc vít bắt vào tường, ắc – quy” phải được nhập khẩu đồng bộ 100% theo thang máy. Cũng theo quyết định này, thời gian đóng, mở thầu được nới rộng tới 9 giờ và 9 giờ 30 phút ngày 15/9/2016 để có thêm thời gian cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Cần nhắc lại rằng, sau khi có kết quả kiểm tra HSMT gói thầu này, UBND tỉnh Long An ban hành Văn bản 3226/UBND-KT do Phó chủ tịch Phạm Văn Cảnh ký ngày 22/8/2016, yêu cầu chủ đầu tư kéo dài thời gian mở thầu và yêu cầu tư vấn đấu thầu tiến hành rà soát, điều chỉnh HSMT theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư. 

Vẫn… chưa “sạch” lực cản vô lý!

Như đã đề cập trên đây, sau khi những nghi vấn “đụng” luật được điều chỉnh xong, thì một số nhà thầu vẫn cho rằng, HSMT này vẫn chưa “sạch” lực cản vô lý với nhà thầu Việt. Bởi sau khi điều chỉnh xóa bỏ những bất hợp lý trong phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước, thì các nhà thầu lại vấp phải hàng rào được dựng lên trong phần tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm, khi HSMT vẫn yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện 3 hợp đồng, trong đó có tối thiểu 1 hợp đồng có giá trị ≥30 tỷ đồng trong 5 năm gần đây.

Đại diện nhà thầu TNE cho rằng, điều kiện này sẽ khiến phần lớn các nhà thầu cung cấp thang máy sản xuất trong nước phải chịu cảnh “chầu rìa” vì không thể đáp ứng được. Nghi ngại của nhà thầu này là có cơ sở, bởi lẽ thang máy thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng mức đầu tư của một công trình xây dựng, nên đa phần giá trị các hợp đồng cung cấp, lắp đặt thang máy thường dưới 10 tỷ đồng. So sánh với nhà thầu ngoại, sự bất lợi của nhà thầu cung cấp, lắp đặt hàng hóa được sản xuất trong nước càng trở nên bất lợi, khi giá thành thang máy trong nước thường rẻ hơn tới 30 – 40% so với hàng nhập ngoại.

Thêm một điều đáng lưu tâm nữa, khi các nhà thầu nội cho rằng, xuất xứ của “hàng rào” trên có nguyên nhân từ dự toán gói thầu này được tham chiếu theo giá thang nhập ngoại. Theo phân tích từ các nhà thầu, việc tham chiếu giá thang máy ngoại nhập không chỉ tạo lực nâng tổng mức đầu tư của dự án, mà còn đẩy các nhà sản xuất thang máy trong nước… ra xa cuộc chơi. Khi nhà thầu cung cấp thang máy Việt không đáp ứng được yêu cầu hợp đồng tương tự và bị loại đúng luật, thì có thể hiểu, việc điều chỉnh “rộng cửa” cho hàng sản xuất trong nước chỉ là động tác… nghi binh của chủ đầu tư mà thôi.

“Căn cứ yêu cầu kỹ thuật của Gói thầu, nếu tham chiếu giá hàng hóa sản xuất trong nước, thì giá trị gói thầu chỉ là 15 tỷ đồng, nếu hàng nhập từ Trung Quốc, chi phí là khoảng 20 tỷ đồng, còn hàng xuất xứ EU sẽ là trên 30 tỷ đồng. Vì vậy yêu cầu hợp đồng tương tự tại HSMT là bất hợp lý”, vị đại diện nhà thầu TNE nói và cho biết, căn cứ đưa ra yêu cầu hợp đồng tương tự không khách quan trong khi khâu thẩm định chưa sát thực tiễn sẽ góp phần loại bỏ các nhà thầu tiềm năng.

Thực tế, việc đưa ra hợp đồng tương tự cao nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt của chủ đầu tư là điều dễ hiểu. Song việc yêu cầu hợp đồng tương tự quá cao cũng loại bỏ các nhà thầu có năng lực là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ tạo ra những lấn cấn, bởi Chính phủ đang khuyến khích, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này cơ hội phát triển bình đẳng.

Nếu kịch bản đẩy dự toán cao và khâu thẩm định giá không làm chặt chẽ xảy ra, sẽ tạo điều kiện dung dưỡng tiêu cực trong đấu thầu tại địa phương này. Cần thiết phải nhắc lại rằng, bài học 1,92 tỷ đồng để lắp 15 camera an ninh có xuất xứ từ Trung Quốc tại gói thầu công trình “Tòa nhà 4 cơ quan” cũng do Sở Y tế tỉnh Long An làm chủ đầu tư là bài học vẫn còn nóng hổi.

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về dự án này để có thể giải tỏa những nghi ngại của nhà thầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư