Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dính kiện phòng vệ, ngành thép lo xuất khẩu
Thế Hoàng - 13/09/2018 19:22
 
Liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, ngành thép đối mặt khó khăn trong việc giữ vững thị trường xuất khẩu, mặc dù xuất khẩu thép được dự báo chưa bị giảm sốc ngay trong năm 2018.

Kiện phòng vệ “tấn công” ngành thép

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong vòng hơn 1 tháng qua, ngành thép Việt đã bị khởi kiện phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời từ nhiều thị trường như Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Hoa Kỳ, Liên minh Á - Âu, Ấn Độ. Riêng thị trường Hoa Kỳ, thép Việt đã hai lần liên tiếp bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Sắt thép vốn là mặt hàng bị kiện phòng vệ nhiều nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2017, có tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 30 vụ kiện liên quan tới thép, chủ yếu tập trung vào điều tra chống bán phá giá.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất, bán hàng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất, bán hàng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2017

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngành thép chiếm tới hơn 30% tổng số các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trên thế giới. Nguyên nhân chính là do tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép toàn cầu và Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, khiến nhiều quốc gia khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

“Trong 2 năm gần đây, thép thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới với mức thuế suất áp dụng rất cao. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép của nước ta đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam”, ông Nam thông tin.

Theo ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VSA, ngành thép Việt Nam cũng như đa số các nước khác đang phải đối mặt với khả năng phải chịu mức thuế 25% cho sản phẩm nhôm, thép xuất khẩu vào Mỹ.

“Mặc dù Việt Nam chỉ xuất khẩu thép xây dựng dân dụng và chỉ chiếm 1,6% trong tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ, không thể ảnh hướng tới an ninh nước này, nhưng điều đó cũng đặt các doanh nghiệp thép Việt Nam trước những khó khăn trong việc tìm giải pháp đối mặt với các vụ kiện và giữ vững thị trường xuất khẩu”, ông Khải khuyến cáo.

Chưa sụt giảm ngay

Trong 8 tháng qua, dù ảnh hưởng bởi những tác động nhất định từ việc áp thuế nhập khẩu của Mỹ, thép Hòa Phát vẫn tăng trưởng xuất khẩu trên 60%, đạt 119.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chính của thép Hòa Phát gồm Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Campuchia.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến nay, sắt thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao. 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắt thép đạt 3,41 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Hòa Phát (Công ty mẹ) đạt doanh thu 27.595 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.406 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 27% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng đạt kết quả khả quan. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của VNSteel cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đều tăng vọt. 6 tháng đầu năm, Công ty mẹ VNSteel đạt doanh thu 13.044 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng, tăng 218%, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Bộ Công thương cho biết, sự tăng trưởng của ngành thép từ đầu năm đến nay chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai, đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu dù chịu áp lực từ cạnh tranh thương mại, nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, việc thép xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp đón nhận tin điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada..., theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thép của Việt Nam và có thể làm giảm khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này trong thời gian tới, dù chưa bị giảm sốc ngay trong những tháng còn lại của năm 2018.

Bộ Công thương dự báo, ngành thép từ nay đến hết năm vẫn có cơ hội duy trì tăng trưởng với mức tăng trưởng cả năm đạt khoảng 20 - 22% so với năm 2017.

Trước hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại đổ vào ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA đề nghị, các doanh nghiệp thép trong nước cần phối hợp tốt hơn trong thời gian tới như trao đổi thông tin rõ ràng, minh bạch cùng với các lý do cụ thể về chính sách điều chỉnh giá bán, kịp thời thông tin cho Hiệp hội. VSA sẽ tổng hợp thông tin, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác phòng vệ thương mại, kiến nghị với cơ quan chức năng về chính sách quản lý sắt thép vụn nhập khẩu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ngành thép xoay xở trước bất lợi
Lo ngại về sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nếu bị áp thuế nhập khẩu với mặt hàng thép xuất sang Mỹ, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đưa ra các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư