Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
DN cơ khí đấu thầu dự án công: Bị loại “từ vòng gửi xe”
Thanh Vũ - 23/09/2014 08:43
 
Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án đầu tư công, do hồ sơ tham gia thường bị loại ngay “từ vòng gửi xe”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thaco sẽ thành "sếu đầu đàn" cho công nghiệp hỗ trợ?
Chọn nhà đầu tư: Khổ vì cơ chế đặc thù
Đấu thầu online: Lợi thì có lợi, nhưng chưa chịu làm

Tham gia gian hàng tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014 đang diễn ra tại TP.HCM nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, song ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh lại tỏ ra thận trọng khi nói tới việc đầu tư mở rộng trong thời gian tới. 

  DN cơ khí đấu thầu dự án công: Bị loại “từ vòng gửi xe”  
 

Doanh nghiệp cơ khí không có cơ hội tham gia đấu thầu một cách công khai, minh bạch

 

“Ngành cơ khí có đặc điểm chung là đầu tư rất vốn lớn, mà lợi nhuận không cao, nên doanh nghiệp thường không đầu tư đón đầu, mà chỉ khi có yêu cầu mới tăng dần mức đầu tư nhà xưởng, công nghệ…, để đáp ứng đơn hàng”, ông Tống nói và cho biết, nhiều công trình xây dựng của Nhà nước giao cho nhà thầu nước ngoài nếu không có ràng buộc rõ ràng, đầy đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thì doanh nghiệp khó tham gia cung cấp thiết bị (lĩnh vực khuôn mẫu, dù trong nước sản xuất được trên 90%, nhưng phần lớn thiết bị vẫn phải nhập khẩu).

Trường hợp Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam là một doanh nghiệp lớn trong ngành thang máy Việt Nam, đã nhiều năm nay xuất khẩu mặt hàng thang máy sang thị trường Nhật Bản - một thị trường khó tính bậc nhất thế giới, nhất là khi Nhật Bản thường hay bị động đất, nên cần thiết bị cơ khí chất lượng cao, song Công ty Thiên Nam lại đang gặp không ít khó khăn khi tham gia các dự án trong nước.

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết: “Đang diễn ra tình trạng phân biệt đối xử giữa sản phẩm thang máy nhập ngoại với sản phẩm của doanh nghiệp nội. Những công trình của chính quyền như trụ sở ban ngành, kho bạc, ngân hàng nhà nước, sở ngành các tỉnh; dự án các trụ sở cơ quan nhà nước không cao tầng, sản phẩm thang máy trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được, nhưng người lập hồ sơ mời thầu lại yêu cầu sản phẩm ngoại. Chúng tôi không được tham gia cạnh tranh ở những công trình sử dụng vốn ngân sách”.

Đối với các loại máy móc, thiết bị khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đang gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án đầu tư công, do hồ sơ tham gia thường bị loại ngay “từ vòng gửi xe”.

Thậm chí, sản phẩm máy phát điện của Công ty cổ phần Sáng Ban Mai do ông Trần Thành Trọng làm Tổng giám đốc cũng bị phân biệt đối xử, mặc dù Công ty Sáng Ban Mai đã cung cấp cả tổ máy phát điện 1.100 KVA - sản phẩm Việt Nam đã sản xuất được theo phê duyệt của Bộ Công thương, song người phụ trách tư vấn ở nhiều dự án vẫn “phết” chỉ định thầu là yêu cầu thiết bị nhập ngoại, nên Công ty không còn cơ hội tham gia đấu thầu một cách công khai, minh bạch.

Để vượt qua khó khăn khi tham gia cung cấp thiết bị cho những dự án công, hiện nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn phải “vượt lên chính mình”.

Ông Nguyễn Tấn Vũ cho biết, vì đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần mà chưa thấy hiệu quả, nên Công ty Thiên Nam không “kêu” nữa, mà thay vào đó là chủ động nộp hồ sơ đấu thầu dự án sử dụng ngân sách thẳng lên Bộ Công thương, hoặc bộ, ngành có liên quan. Sau đó, Bộ sẽ gửi hồ sơ về các địa phương có dự án đầu tư công cần sử dụng thiết bị thang máy. Mới đây nhất, TP.HCM nhận được hồ sơ tham gia đấu thầu này của Thiên Nam, sau đó, Thành phố đã có chỉ đạo cơ quan liên quan liên hệ với Công ty Thiên Nam cử một đoàn thẩm định đến tận nhà máy của Công ty, nhằm thẩm định xem Công ty có thực hiện được sản phẩm như cam kết hay không.

“Đoàn thẩm định này sẽ đi đến nhà máy của chúng tôi trong nay mai để thẩm định xem năng lực của mình làm được hay không, một cách chính thức”, ông Nguyễn Tấn Vũ nói và cho biết, cách làm này thì “mấy ông tư vấn” sẽ không dám từ chối passport (hộ chiếu - giấy thông hành) khi Công ty tham gia hồ sơ đấu thầu vào các công trình của Nhà nước.

Còn theo ông Trần Thành Trọng, để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đã đến lúc cần có chế tài cụ thể đối với những người hành nghề tư vấn mời thầu, cung cấp thiết bị cho các công trình xây dựng. Chẳng hạn, có thể thu hồi chứng chỉ tư vấn nếu phát hiện người tư vấn làm sai 3 lần liên tiếp. Việc này sẽ hạn chế tình trạng tư vấn “đi đêm” với nhà sản xuất, cung cấp thiết bị ngoại nhập, buộc họ phải làm đúng chủ trương của Chính phủ là “khuyến khích ưu tiên các tổng thầu sử dụng nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước trong công tác thiết kế, chế tạo thiết bị của các dự án, tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư