Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đo tác động FDI bằng sức doanh nghiệp nội
Khánh An - 11/04/2015 07:49
 
Khoảng cách vẫn xa giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đang làm đổi chiều nhiều tác động tích cực của dòng vốn này tới nền kinh tế Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
FDI tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?
Quý I: Hải Phòng thu hút FDI gần 240 triệu USD
Hà Nội cấp mới 74 dự án FDI trong quý I/2015
Doanh nghiệp FDI “vào mùa”

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cộng sự - những người đang làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn là đối tượng hưởng lợi nhất từ Hội thảo khoa học Tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam, do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) được tổ chức hôm qua (9/4). Bởi, lần đầu tiên, tác động của FDI tới nền kinh tế Việt Nam được phân tích theo chuỗi số liệu từ 2001-2012 với các mẫu nghiên cứu là doanh nghiệp FDI tồn tại trong giai đoạn này.

bài toán liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nền kinh tế Việt Nam đang trở nên khó giải hơn. Ảnh: Đức Thanh

Kết quả khảo sát của NCIF cho thấy, dù FDI có nhiều tác động tích cực, nhưng tình trạng doanh nghiệp FDI độc quyền, o bế trong một số ngành như kinh doanh đồ uống, thức ăn chăn nuôi… làm méo mó thị trường đang tăng lên. Cùng với đó, câu chuyện không mới của Canon trong gần 15 năm hoạt động tại Việt Nam mới chỉ đạt được mức nội địa hóa 60%, trong đó chưa đến 10% là từ doanh nghiệp Việt Nam chứng tỏ, khoảng cách giữa thực tiễn và mục tiêu trong thu hút FDI vẫn rất xa.

Đặc biệt, đặt vào bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, với hàng loạt cam kết mới sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2015, khoảng cách giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, thậm chí là sự chi phối ngày càng rõ nét của khu vực FDI trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhất là xuất nhập khẩu, sẽ là rào cản rất lớn trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

“Giải quyết tình trạng này là nhiệm vụ của chúng tôi. Có lẽ phải xây dựng chính sách phân kỳ để các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, rồi tiếp theo là chuyển giao đi kèm với nghiên cứu phát triển…”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh khi nhắc tới các chính sách mới với FDI.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, tác động của dòng vốn FDI với nền kinh tế Việt Nam không chỉ nhìn ở khía cạnh hệ thống pháp lý, chính sách trong nước. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc lại bức tranh doanh nghiệp Việt Nam thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa và ngày càng “li ti” hơn để nói rằng, bài toán về liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nền kinh tế Việt Nam đang trở nên khó giải hơn.

“Sự thu hẹp của khu vực doanh nghiệp nhà nước là chắc chắn. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam tới đây sẽ trông vào khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Rõ ràng, sự nhỏ đi, yếu đi của doanh nghiệp tư nhân trong nước đang là câu chuyện lớn trong đánh giá tác động của FDI tới nền kinh tế Việt Nam”, ông Thành khuyến nghị.

Sự lo ngại của ông Thành ở chỗ, dòng vốn FDI ở Việt Nam cũng như trong ASEAN nằm trong mạng lưới sản xuất của khu vực và toàn cầu với sự kết nối giữa các trung gian lớn và có thị trường tiêu thụ cuối cùng là EU, Mỹ, Nhật Bản. Điều quan trọng là mạng sản xuất này chủ yếu là do các công ty đa quốc gia chi phối.

Thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam là để tham gia chuỗi giá trị này, họ phải phá vỡ được những mắt xích hiện có để thế chân. Việc Canon vẫn đang kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi kinh doanh của mình, hay chuyện Samsung mới đây đi tìm nhà cung cấp mà không thấy là những điều không khó để giải thích.

“Nhìn vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nếu không có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp lớn lựa chọn doanh nghiệp trong nước làm nhà cung cấp, thì cơ hội để FDI tạo nên các tác động lan tỏa tích cực hơn giai đoạn trước cũng rất mờ mịt”, ông Vũ Quang Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích.

Ông Huy cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện giải pháp yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong kết nối, hỗ trợ kỹ thuật, năng lực cho doanh nghiệp trong nước để đáp ứng được các yêu cầu của các mạng lưới sản xuất hiện đại.

Cũng phải nói thêm, đây là cơ sở để hình thành các cluster - cụm ngành công nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề, cách thức được xác định là hiệu quả nhất trong phát huy tác động lan tỏa tích cực của khu vực FDI tới nền kinh tế nội địa. Đây cũng có thể là lời giải hữu ích cho câu hỏi tại sao các khu công nghiệp ở Việt Nam, dù có các điều kiện để thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, song vẫn đang hoạt động phân tán…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư