Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Vốn ODA đổi thay bộ mặt nông thôn Bắc Kạn
Thùy Liên - 03/04/2015 10:21
 
Dòng vốn ODA đổ vào Bắc Kạn trong 17 năm qua đã giúp diện mạo của tỉnh từng bước được nâng lên, đời sống của nhân dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Với cam kết giải ngân nhanh chóng và sử dụng vốn ODA hiệu quả, Bắc Kạn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành điểm đến của dòng vốn ODA thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiên Giang tìm vốn ODA của Israel cho Bệnh viện
Việt Nam cam kết đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư
ODA cho Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao
Vay 53,2 triệu USD cho Dự án metro số 3, TP Hà Nội
54,9 triệu USD xây dựng cầu Thịnh Long

2.900 tỷ đồng vốn ODA xóa đói, giảm nghèo

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, từ năm 1997 đến 2014, tỉnh Bắc Kạn đã thiết lập quan hệ hợp tác phát triển với 15 nhà tài trợ. Trong số các chính phủ, Phần Lan và Nhật Bản là những nhà tài trợ nhiều nhất cho Bắc Kạn. Trong số các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cho tỉnh Bắc Kạn vay ODA nhiều nhất. Trong giai đoạn 1997-2014 tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và thực hiện 74 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, với tổng vốn trên 3.900 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 2.900 tỷ đồng.

Dự án 3PAD do IFAD tài trợ là một trong những dự án sử dụng hiệu quả vốn ODA ở Bắc Kạn

Nguồn vốn ODA đã được tỉnh ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực như giao thông nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm thủy lợi, lâm nghiệp) kết hợp xóa đói giảm nghèo; cấp thoát nước và bảo vệ môi trường; y tế; giáo dục và đào tạo.

Một số dự án điển hình sử dụng hiệu quả vốn ODA trong thời gian qua có thể kể đến như Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn (Dự án 3 PAD) do IFAD tài trợ; Dự án “Xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh Bắc Kạn” (do Quỹ Kuwait tài trợ), các dự án hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ do JICA tài trợ… Các dự án này đã khiến đời sống nhân dân trong tỉnh được cải thiện.

Đơn cử, Dự án 3 PAD đã hỗ trợ xây dựng 100 km đường giao thông, phục vụ hơn 838 ha đất nông nghiệp và 4.873 ha đất lâm nghiệp; 110 công trình kênh mương thủy lợi. Với dự án này, đã có hơn 9.000 hộ dân được hưởng lợi, trong đó có 4.906 hộ nghèo. Dự án cũng hỗ trợ vốn vay cho 11.926 hộ và 11 doanh nghiệp. Số vốn này đã được sử dụng hiệu quả tạo thu nhập và việc làm cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dự án đã giảm tới 19%.

Nhìn chung, do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn được triển khai thực hiện tốt, đáp ứng được các yêu cầu của các nhà tài trợ, đảm bảo thời gian theo hiệp định đã được ký kết.

Để thực hiện tốt công tác vận động, quản lý, theo dõi và đánh giá các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã lập kế hoạch kiểm tra hàng năm và thực hiện nhiều giải pháp. Sở tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các sở, ban, ngành chuyên môn trong tỉnh chủ động chuẩn bị chi tiết nội dung các dự án và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quan trọng để thu hút và kêu gọi các dự án ODA vào tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cũng lập kế hoạch cụ thể làm việc với các chủ đầu tư như đi kiểm tra thực tế các công trình đang thi công, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư có văn bản cam kết hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch đã được giao; hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của nhà tài trợ; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện báo cáo theo định kỳ...

Theo ông Trần Công Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án ODA, thời gian tới, trước hết, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các dự án phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA.

Thứ ba, các cấp, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các khâu thủ tục thực hiện dự án, đặc biệt thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng đảm bảo cho công tác thi công thuận lợi, giao đầy đủ mặt bằng thì mới cho khởi công.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực và nguồn lực thi công các hạng mục công trình theo đúng thời gian và tiến độ đã đề ra. Các nhà thầu thực hiện nghiêm túc các hợp đồng đã ký, không gia hạn, điều chỉnh hợp đồng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Nắn vốn ODA chảy vào hạ tầng, nông thôn

Với một tỉnh miền núi như Bắc Kạn, dòng vốn ODA có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn chủ trương thu hút và hướng dòng vốn này chảy vào những lĩnh vực ưu tiên nhất của tỉnh, dựa trên một số nguyên tắc chính như: hỗ trợ thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011- 2020; hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.

Ngoài ra, vốn ODA cũng sẽ được ưu tiên cho các dự án đầu tư công quan trọng, khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại; làm ”vốn mồi” để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển...

Cụ thể, về hỗ trợ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, tỉnh sẽ ưu tiên vốn phát triển hệ thống đường bộ ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các địa phương, vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo ra tác động lan tỏa mạnh; nâng cấp, phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng ở các đô thị.

Cùng với đó, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, các công trình phòng chống thiên tai và hiện đại hóa hệ thống thông tin, để đáp ứng yêu cầu phát triển và giảm nhẹ thiên tai.

Về hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, tỉnh chủ trương hỗ trợ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công tác dạy và học, đào tạo giáo viên, quan tâm hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho các huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác khám và chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở, xây dựng và trang bị kỹ thuật y tế cho một số bệnh viện công tuyến tỉnh...

Về phát triển nông nghiệp, nông thôn, vốn ODA sẽ được ưu tiên thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những hoạt động như quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế (nâng cao thu nhập thông qua phát triển sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp... Vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng ưu tiên để hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Về phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức, vốn ODA được tập trung hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ chuyên gia, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn, hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn; chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức.

Ngoài các lĩnh vực trên, vốn ODA cũng được tỉnh Bắc Kạn ưu tiên cho các dự án bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; các dự án thúc đẩy đầu tư, thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; các dự án, chương trình tập trung vào việc hỗ trợ cải thiện đời sống và sinh kế của người dân địa phương...

Với những định hướng thu hút vốn ODA mới, Bắc Kạn kỳ vọng dòng vốn này sẽ tiếp tục trở thành nguồn lực to lớn, tiếp sức cho kinh tế địa phương vững vàng đi lên, thực hiện tốt xóa đói, giảm nghèo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư