Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đô thị Hà Nội trên hành trình phát triển bền vững
Thanh Nga - 10/10/2017 10:10
 
Hà Nội đang sống trong những ngày tháng lịch sử, hân hoan chào đón 63 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2017). Sau 63 năm, những đổi thay mạnh mẽ cả về tầm vóc, diện mạo, đã làm nên một Hà Nội thanh bình, văn minh và hiện đại.

Từ quá khứ hào hùng…

Ngược về 63 năm trước, sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô với cờ, hoa trong tay hân hoan xuống đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Cả Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng vào ngày 10/10/1954
Cả Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng vào ngày 10/10/1954 (ảnh TL)

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, và ngày này đã trở thành một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta

Sau 63 năm, Hà Nội vẫn lưu giữ những hình ảnh đã rất đỗi thân quen, là niềm thương nỗi nhớ với mỗi người dân đất Việt. Đó là một Hồ Gươm lung linh trong nắng sớm, một Hồ Tây lãng đãng sương mờ. Là những con người Hà Nội với nếp sinh hoạt, thói quen không dễ đổi thay  đã làm nên phong thái con người đất Tràng An. Và vẫn là một Hà Nội với những phố phường rộn ràng, đông đúc. Nhưng song song với đó, trong nhịp sống đô thị hiện nay, Hà Nội đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, những đổi thay ngoạn mục và điều đó đã khơi dậy biết bao cảm xúc trong lòng mỗi con người đang sống, làm việc, cống hiến trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

…đến những đổi thay ngoạn mục

Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), khoảng thời gian 30 năm Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. 30 năm ấy, Thủ đô Hà Nội có những đổi thay, đi lên đáng tự hào, “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Sau ngày 1/8/2008, khi Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực, thủ đô Hà Nội đã rộng gấp 3,6 diện tích, bao gồm: thành phố Hà Nội lúc đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Theo các chuyên gia, với việc mở rộng địa giới, Hà Nội có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng thủ đô với một không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử, cổ kính có điều kiện thuận lợi để xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh và không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác. Với tổng diện tích của thủ đô mới hơn 3.300 km2, Hà Nội đã nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.

Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính là tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội. Theo PGS.TS. Ngô Thắng Lợi trong tham luận “Đô thị hóa ở Hà Nội nhìn từ góc độ phát triển bền vững” cho hay, Hà Nội là một trong những địa phương nhận được đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất, với 1.681,2 triệu USD và 290 dự án. Thành phố cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những lý do để Hà Nội trở thành thành phố có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước.

Hàng loạt công trình, các tòa  cao ốc, những khu đô thị mới đua nhau mọc lên theo cùng sự gia  tăng dân số, sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Cùng với đó là những con đường, những cây cầu, những tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. Không ít người Hà Nội đã ví “Thành phố  như  một công trường” và cũng chính họ phải giật mình trước sự đổi thay đến chóng mặt của vùng đất 36 phố phường.

Song song với việc triển khai tuyến đường sắt Đô thị Hà Nội gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km (tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội; Ngọc Hồi - Yên Viên và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình...), mới đây Hà Nội tiếp tục thông tin về hàng loạt dự án khác. Đó là việc Hà Nội đã đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, với tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ, hay việc Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận...

Những cây cầu góp phần kết nối giao thông giữa Hà Nội và các địa phương
Những cây cầu góp phần kết nối giao thông giữa Hà Nội và các địa phương lân cận

Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng theo thống kê của UNFPA, hiện 25% cư dân thành thị Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở, 20% nhà ở thành thị bị xếp vào loại không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, ở Hà Nội khoảng 30% dân số có diện tích nhà ở dưới 3m2/người. Trong các khu đô thị mới, phần lớn đất đai dành phát triển quỹ nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ để bán và cho thuê, diện tích cây xanh, các khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt suất đầu tư hạ tầng cơ sở.

Cũng theo PGS.TS. Ngô Thắng Lợi, nhìn tổng quát, đô thị hóa Hà Nội phát triển theo hướng bền vững là quá trình kết hợp chặt chẽ, hài hòa của 3 mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, cùng với mục tiêu kinh tế tăng trưởng cao, ổn định, với cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại và  xây dựng Thủ đô thành trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia, Hà Nội cần  tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại nhằm nâng cao chất lượng sống cho con người. Đồng thời, quá trình phát triển phải bảo đảm cân bằng các hệ sinh thái và không tạo thêm áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.

Hà Nội đang sống trong không khí hào hùng của ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Là trái tim cả nước, Hà Nội luôn hòa chung nhịp đập, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khó có thể hình dung diện mạo của Thủ đô sau 20, 30 năm tới, nhưng nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước có quyền tin tưởng và kỳ vọng, với những quyết tâm, nỗ lực và vai trò đi đầu trên hành trình 63 năm qua, sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nội phát triển bền vững trong tương lai không xa.

Hà Nội tuyên dương 10 công dân Thủ đô ưu tú dịp 10/10
Đó là thông tin được Ông Nguyễn Công Bằng, Ủy viên Hội đồng thi đua khen thưởng TP. Hà Nội, Phó trưởng ban thi đua khen thưởng Thành phố thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư