Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp “3 tại chỗ” siết chặt chống dịch
Dương Ngân - 07/08/2021 13:28
 
Tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 tại các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” là cần thiết, song cơ quan quản lý cần linh hoạt trong xử lý, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh.
doanh nghiệp “3 tại chỗ” nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19
Doanh nghiệp “3 tại chỗ” nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19

Phát sinh khó khăn

Theo quy định tại một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An..., doanh nghiệp được hoạt động khi đáp ứng vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm “3 tại chỗ” hoặc bảo đảm thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Dù rất nỗ lực, song công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng phát sinh khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, Tổng công ty đã ký hợp đồng đến hết quý I/2022 và đang thiếu nhân lực để thực hiện “3 tại chỗ”, bởi số lượng nhân công giảm nhiều so với trước khi dịch bùng phát.

“3 tại chỗ” - Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.

“1 cung đường - 2 địa điểm” - Duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất và ngược lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” tại phía Nam phải xin dừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chỗ ăn, ngủ, vệ sinh không đảm bảo, thiếu nguyên vật liệu... Đặc biệt, các doanh nghiệp này gặp khó trong việc đảm bảo thực phẩm cho người lao động, áp lực chi phí xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên quá lớn...

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 300 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Khi xảy ra dịch bệnh tại các doanh nghiệp này, địa phương thường gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong cách xử lý, do sự phối hợp với các sở, ban, ngành còn hạn chế.

Đơn cử, có doanh nghiệp “3 tại chỗ” khi xuất hiện ca dương tính Covid-19 qua test nhanh đã cách ly các trường hợp này ở một khu vực riêng, nhưng do không có người giám sát, nên một số người tự ý sang khu vực khác, gây hoang mang cho người lao động. Có những doanh nghiệp khi xuất hiện ca F0 đã không báo cáo với chính quyền địa phương, để người lao động trở về nhà trọ trong đêm. Điều này khiến công tác điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp nào?

Qua quá trình kiểm tra tại Công ty TNHH Acecook Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tân Phú, TP.HCM), đại diện Bộ Y tế cho biết, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch như: khu vực lưu trú tập trung tại nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất có diện tích mặt bằng lớn, bố trí nhiều người lao động ở các phân xưởng, bộ phận khác nhau ở chung với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nếu có trường hợp F0; khu vực nhà vệ sinh chưa đảm bảo về số lượng; chưa thực hiện chia ca, tổ/nhóm theo bộ phận/phân xưởng. Nhân viên bảo vệ, lái xe giữa kho và nhà máy ở cùng với người lao động trong một khu vực.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế) doanh nghiệp cần bổ sung phương án xử trí cụ thể khi có trường hợp F0 xuất hiện; tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người); lắp đặt thêm các vách ngăn; hạn chế sử dụng điều hòa; quản lý chặt chẽ người lao động ở lại nơi lưu trú tập trung theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tránh mầm bệnh bên ngoài xâm nhập.

“Bên cạnh đó, cần bổ sung quy trình quản lý với đối tượng lái xe, giao nhận hàng, bộ phận bán hàng, đảm bảo các nhóm này không tiếp xúc trực tiếp với người lao động khác. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án để bổ sung, thay thế người lao động khi nhà máy có ca F0”, bác sĩ Trung khuyến nghị.

Sau khi kiểm tra Công ty Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, doanh nghiệp cần sắp xếp chỗ ngồi ăn của công nhân một cách hợp lý. Các chỗ ngồi ăn của người lao động nên gắn mã số cố định, ai ngồi chỗ đó, để nếu xuất hiện ca bệnh, truy vết sẽ thuận tiện hơn. Cùng với đó, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những người vận chuyển thực phẩm vào nhà máy, lưu mẫu cẩn thận, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Hoan, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nippon Sanso Việt Nam kiến nghị, do ô-xy là mặt hàng cần thiết, phải vận chuyển nhanh cho các cơ sở y tế, nên Công ty mong muốn chính quyền địa phương nơi có các cơ sở y tế đặt hàng ô-xy tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ để ưu tiên cho xe vận chuyển ô-xy qua các chốt kiểm dịch.

Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên cung ứng nguồn thực phẩm ổn định để có thể thực hiện “3 tại chỗ”; sớm bố trí tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động để họ an tâm làm việc.

Từ thực tế công tác quản lý  trong khu công nghệp, khu kinh tế, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, các doanh nghiệp mong muốn, quy định “1 cung đường, 2 điểm đến” được thực hiện linh hoạt, ưu tiên một số ngành nghề đặc thù.

Cùng quan điểm, ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng, khi xuất hiện ca F0 tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý không nên cứng nhắc coi tất cả nhân công là F1 để cách ly, mà cần căn cứ mức độ tiếp xúc để phân loại hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Lúng túng với mô hình 3 tại chỗ, doanh nghiệp gửi thư khẩn tới Thủ tướng
Hôm nay, 31/7, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân gửi thư khẩn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề xuất về việc mô hình 3 tại chỗ "cần có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư