Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp càng lớn càng nhiều khó khăn
Hàn Tín - 01/12/2020 11:14
 
Tổng cục Thống kê sắp công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp (lần 2) về tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một điểm chung là doanh nghiệp càng lớn càng gặp nhiều khó khăn.
.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu vốn.

Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi Việt Nam đã kiểm soát được làn sóng Covid-19 thứ hai, đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp tham gia trả lời.

“Cũng như cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4/2020, cuộc khảo sát lần này nhận được sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, cho thấy họ rất quan tâm đến các giải pháp, chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển trong thời gian tới”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Mặc dù kết quả cuộc khảo sát tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được công bố chính thức, nhưng theo ông Thúy, nhìn chung quy mô càng lớn thì tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 càng cao.

“Doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực, phạm vi trên địa bàn rộng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nên chịu tác động nhiều. Có tới 86% số doanh nghiệp lớn cho biết bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, trong khi tỷ lệ này đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 82,6%. Nếu phân theo loại hình thì doanh nghiệp nhà nước chịu tác động ít nhất, với 78,8% bị ảnh hưởng, trong khi tới 85,2% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị tác động tiêu cực”, ông Thúy thông tin. 

Cũng theo kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát thì lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bị tác động ít hơn cả, với  70,5% số doanh nghiệp cho biết bị tác động. Trong khi lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề nhất, đặc biệt là hàng không với 100% doanh nghiệp bị tác động, tiếp đến là du lịch (93,6%); khách sạn (92,9%); nhà hàng (91,6%)...

Mới đây, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng thực hiện cuộc khảo sát (lần 2) về tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với 6 ngành gồm: du lịch; lưu trú, ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logistics; dệt may; công nghệ thông tin.

PGS-TS Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, có tới 30% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khoảng 10% số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động; 5/6 ngành khảo sát phải cắt giảm quy mô lao động. Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động tiêu cực thấp hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nhưng đối tượng này lại bị tác động nặng nề nhất.

Cũng theo ông Đạt, sau 6-7 tháng thực hiện các gói hỗ trợ theo tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ứng phó với Covid-19, vẫn có tới trên 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Lý do doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ là vì không đáp ứng được điều kiện (54,68% số doanh nghiệp) và không có thông tin về chính sách (26,26%). Ngoài ra, còn các lý do khác như thông tin không minh bạch khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục hỗ trợ; quy trình, thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ quá khó khăn; đã làm thủ tục xin hỗ trợ nhưng vẫn còn phải chờ được xét duyệt. Các chính sách hỗ trợ (chủ yếu là gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất) được doanh nghiệp cho rằng đã có tác động tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động như kỳ vọng, chẳng hạn hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính…”, ông Thọ nói.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ có 17,9% số doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ, như vậy có tới 82,1% chỉ nhận được hỗ trợ… trên tivi. “Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm sơ kết tình hình thực hiện gói hỗ trợ theo Chỉ thị 11/CT-TTg, từ đó chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tìm ra biện pháp tháo gỡ khi triển khai các gói hỗ trợ tiếp theo”, ông Phạm Đình Thúy đề xuất.

Cũng theo ông Thúy, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu vốn. Vì vậy, cần phải tiếp tục thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Tương tự, ông Trần Thọ Đạt cũng kiến nghị mạnh dạn nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi, cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí dịch vụ hạ tầng công, giảm phí bảo hiểm xã hội…

Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần tập trung vào những đối tượng nào?
Những khó khăn của doanh nghiệp, người dân đòi hỏi Chính phủ phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Song, các chuyên gia lưu ý về đối tượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư