Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp cạnh tranh “miếng bánh” kho bãi
Gia Hân - 03/07/2024 10:14
 
Gần 75% thị phần kho bãi tại Việt Nam hiện nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội địa cũng đang vươn lên mạnh mẽ để giành chỗ đứng trên “sân nhà”.
Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực cạnh tranh để giành thêm thị phần trên thị trường kho bãi
Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực cạnh tranh để giành thêm thị phần trên thị trường kho bãi

Doanh nghiệp FDI vẫn thống lĩnh thị phần

Được đánh giá là phân khúc tiềm năng, thị trường kho bãi Việt Nam ghi nhận sự tham gia tích cực của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực này gồm Mapletree, SLP, JD Property, Gemadept, Transimex…

Theo báo cáo mới nhất của FiinGroup, chỉ riêng 3 “ông lớn” nước ngoài là Mapletree, BW Industrial và SLP đã chiếm 46% tổng diện tích sàn cho thuê ròng toàn thị trường. Dự báo, trong giai đoạn 2024 - 2027, có khoảng 25 dự án gia nhập thị trường, bổ sung 1,870 triệu m2 diện tích cho thuê ròng, trong đó, doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế.

Cụ thể, Mapletree đang tích cực mở rộng danh mục kho bãi tại Việt Nam với các trung tâm logistics quy mô lớn ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Bình Dương. BW Industrial cũng có dự án tại Đồng Nai, dự kiến hoàn thành vào năm 2026 với diện tích cho thuê 243.000 m2…

Với tham vọng vươn lên top đầu, cuối năm 2023, FM Logistics khánh thành cơ sở kho bãi trên 20.000 m2 (khả năng mở rộng đến 50.000 m2) vốn đầu tư 25 triệu USD, nằm trong Khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương). Trước đó, tập đoàn đến từ Pháp này cũng đầu tư kho bãi với quy mô tương tự tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh.

Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistics chia sẻ, khách hàng chủ yếu của FM logistics là doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh, bán lẻ. Với lợi thế kỹ thuật hiện đại, FM Logistics đặt mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ smartlog cho doanh nghiệp nội địa nhằm nâng cao giá trị dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics.

Doanh nghiệp nội vươn mình

Không ngồi yên nhìn “miếng bánh ngon” rơi vào tay doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp logistics trong nước cũng đang vươn lên mạnh mẽ để giành thị phần.

Mới gia nhập thị trường từ năm 2021, đến nay, Công ty cổ phần Quản lý và dịch vụ khu công nghiệp (KCN Vietnam) đã hiện diện tại nhiều khu công nghiệp lớn như Thuận Thành (Bắc Ninh); Deep C (Hải Phòng); Hố Nai, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú An Thạnh (Long An)… với quỹ đất sạch 200 ha, vốn đầu tư 300 triệu USD.

Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Vietnam cho biết, KCN Vietnam chọn tấn công vào phân khúc bất động sản khu công nghiệp, cụ thể là cho thuê kho bãi, đầu tư quy mô về công nghệ, dẫn đầu xu hướng sinh thái, thông minh. Đối tác chiến lược chính của KCN Vietnam là các doanh nghiệp FDI có quy mô vừa và nhỏ. “Doanh nghiệp kinh doanh kho bãi tại KCN thường cố gắng tìm nhà đầu tư lớn, bỏ quên các nhà đầu tư nhỏ có nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, ông Minh lý giải về sự lựa chọn của KCN Vietnam.

Đồng quan điểm, ông Lê Trần Nhật Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Con ong (BEE Logistics) cũng nhấn mạnh, tuy phần lớn “miếng bánh” logistics đang thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng thị trường luôn có rất nhiều cơ hội. Doanh nghiệp lớn với nguồn vốn, quy mô lớn sẽ đáp ứng cho các thị trường lớn, còn doanh nghiệp nhỏ lại có cơ hội trong các thị trường ngách.

“Từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định phải trở thành công ty toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn khác. Đến nay, BEE Logistics đã từng bước khẳng định được vị thế, không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Có thể thấy, đây là bước đi khôn ngoan của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về khả năng hợp tác với các doanh nghiệp logistics Việt Nam, ông Hamza Harti chia sẻ: “Việc phối hợp với đối tác và cả đối thủ là cần thiết. FM logistics không có xe vận tải riêng, nên đang phối hợp với 30 nhà cung cấp dịch vụ vận tải nội địa”.

Nếu như các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chọn phân khúc thị trường ngách, thì các doanh nghiệp nội có tiềm lực lớn như ICD ST, NPL Logistics, Gemadept… đã và đang tận dụng triệt để lợi thế hệ sinh thái về cảng biển, vận tải biển và logistics để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng, qua đó tạo dựng vị thế nhất định ở phân khúc cho thuê kho bãi, nhà xưởng.

Theo các chuyên gia, trong “sân chơi” này, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI (có tiềm lực lớn về vốn và đội ngũ nhân lực, cung cấp sản phẩm hiện đại, giá cả hợp lý…), doanh nghiệp nội phải học hỏi và cải tiến mạnh mẽ hơn nữa

Nói về kế hoạch nâng tầm doanh nghiệp, đại diện BEE Logistics cho biết, Công ty sẽ tập trung số hóa, đầu tư mạnh vào công nghệ để tối ưu hoá quy trình vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, BEE Logistics đầu tư mạnh cho phần mềm công nghệ thông tin với tính năng tinh giản, tích hợp tự động chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu đến năm 2030, 95% hoạt động và thao tác được thực hiện bằng phần mềm; 80% đối tác đại lý nước ngoài và 50% khách hàng có thể kết nối với BEE Logistics qua API.

Còn với KCN Vietnam, bên cạnh quỹ đất sạch, để trở thành nhà cung ứng dịch vụ cho thuê kho bãi có chỗ đứng trên thị trường, tìm được đối tác lâu dài, Công ty cũng phải đầu tư mạnh tay nhằm đáp ứng cam kết về những thông số kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế tại các kho xưởng. Bên cạnh đó, câu chuyện về giá cả vận hành phù hợp trong bối cảnh hiện nay cũng được quan tâm hàng đầu.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA), sẽ diễn ra tại Khách sạn Mai House Saigon, TP.HCM vào thứ Ba (30/7/2024).

Với chủ đề “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng và những thách thức mới đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp (KCN), hướng tới xây dựng các KCN xanh, KCN sinh thái để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn từ các tập đoàn toàn cầu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Báo Đầu tư cũng sẽ phối hợp với VIREA tổ chức Cuộc bình chọn “Vì tương lai xanh” (VIPF Green Future Awards). Việc bình chọn nhằm cổ vũ, vinh danh những chủ đầu tư có chiến lược phát triển các KCN sinh thái, KCN xanh, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong các KCN có chiến lược phát triển xanh, sử dụng năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững. Hạn chót nhận hồ sơ đăng ký là 10/7/2024.
Thông tin chi tiết về Diễn đàn và Cuộc bình chọn, vui lòng xem tại địa chỉ: https://vipf.vir.com.vn/

Thừa Thiên Huế đấu giá thực hiện dự án kho bãi tại Cảng Chân Mây hơn 1.500 tỷ đồng
Thừa Thiên Huế tìm nhà đầu tư thực hiện Dự án Trung tâm logistics Chân Mây có tổng vốn đầu tư không thấp hơn 1.514 tỷ đồng, diện tích 33,6 ha...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư