Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp “chậm chân” với CPTPP
Lê Quân - 29/02/2020 08:01
 
Xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Canada và Mexico lẽ ra tăng cao hơn nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị thấu đáo và việc nội luật hóa các cam kết trong CPTPP được tăng tốc.
Nhiều doanh nghiệp mới chỉ quan tâm xuất hàng đi Trung Quốc, mà chưa tìm hiểu về ưu đãi của CPTPP. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều doanh nghiệp mới chỉ quan tâm xuất hàng đi Trung Quốc, mà chưa tìm hiểu về ưu đãi của CPTPP. Ảnh: Đức Thanh

Tiềm năng bỏ ngỏ

“CPTPP hay EVFTA tôi mới nghe loáng thoáng. Công công ty có xuất khẩu hạt điều đi Mỹ, còn thị trường Mexico và Canada đã có khách tìm hiểu nhưng chưa mua”. Đó là bộc bạch của ông Kiều Quốc Thạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Xuyến Hoa (tỉnh Tây Ninh) khi được hỏi về CPTPP.

CPTPP chưa phải ưu tiên hàng đầu, mà điều quan tâm nhất với Công ty Xuyến Hoa hiện nay là xuất khẩu hạt điều đi Trung Quốc trong lúc dịch Covid-19 đang hoành hành. Xuất khẩu sang Trung Quốc bị đóng băng, Công ty ưu tiên đẩy mạnh xuất hàng đi Nga, Trung Đông và Mỹ.

Sự thờ ơ với CPTPP cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước. “Nhiều doanh nghiệp chỉ trăn trở làm thế nào để đưa mặt hàng của họ vào thị trường Trung Quốc, còn CPTPP hay EVFTA với họ là thứ rất xa vời”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhận xét về mức độ quan tâm của doanh nghiệp tới CPTPP.

Trên thực tế, CPTPP chưa tạo chuyển biến lớn về cơ cấu và quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước, do sức hút của thị trường Mỹ còn quá lớn. So với quỹ đạo thông thường của các năm trước, xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP như Canada và Mexico trong năm 2019 tăng ở mức “tự nhiên”, không có gì đột phá.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong năm 2019 tăng 28%, nhưng xét trong khoảng thời gian từ 2011 - 2018, trung bình mỗi năm xuất khẩu sang Canada tăng 18%. Trước đó, những năm 2012 - 2014, thời điểm chúng ta chưa có hiệp định CPTPP, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 32 - 35%.

Khâu chuẩn bị còn yếu

Theo đánh giá của PGS-TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, sở dĩ thị trường tiềm năng như Canada và Mexico còn bỏ trống và tăng trưởng không đột phá so với thời điểm trước khi CPTPP có hiệu lực là do khâu chuẩn bị của cả phía doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn yếu.

Quan sát từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), độ trễ mà doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các ưu đãi từ hội nhập và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh thường từ 4-5 năm.

Nguyên nhân của sự chậm trễ đó là do trong quá trình đàm phán, cơ quan chức năng không có sự chuẩn bị các điều kiện, quy định pháp lý về xuất xứ, môi trường… và cập nhật kịp thời cho doanh nghiệp khi hiệp định có hiệu lực, trong khi phần đông doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn quen “làm gì bán đấy, có gì xuất đấy” và nắn dần sản xuất cho phù hợp với yêu cầu thị trường của đối tác, thay vì tìm hiểu thị trường các nước thành viên CPTPP cần gì để có kế hoạch sản xuất trước và đón bắt cơ hội thị trường.

Chậm trễ trong khâu chuẩn bị khiến doanh nghiệp Việt Nam bỏ lỡ các cơ hội tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP. Chính phủ thì đẩy mạnh đàm phán ký kết và thông qua các FTA rất tốt, nhưng việc chuẩn bị của doanh nghiệp để tận dụng các ưu đãi và cơ hội từ các FTA còn nhiều bất cập, dẫn đến lệch pha giữa các khâu.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, sau hơn 1 năm thực hiện CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14/1/2019), vẫn còn nhiều vấn đề cải cách thể chế cần phải bàn. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những quy định, nội luật hóa được áp dụng ngay từ đầu năm 2019 khi CPTPP có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng.

CPTPP không những thúc đẩy xuất khẩu thuận lợi hơn, mà còn giúp nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là các máy móc thiết bị sản xuất với chi phí rẻ hơn, tạo sức ép cạnh tranh, nhưng cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển.

Nhìn lại một năm thực hiện CPTPP
Sau hơn một năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cần nhìn lại kết quả và vấn đề đối với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư