Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp chăn nuôi khó khăn đủ đường
Nguyễn Ngân - 11/06/2023 19:03
 
Hàng lậu tràn lan, chi phí sản xuất tăng cao khiến các doanh nghiệp, nông hộ chăn nuôi “khó thở” và có nguy cơ đối mặt phá sản.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Ngoài ra, cũng có nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ thải loại đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, phần lớn các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho con người) được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào Việt Nam.

Các sản phẩm này mang theo nhiều nguy cơ về các chủng virus cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài lây lan rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.

Đồng thời, chi phí vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, trong khi giá sản phẩm thì liên tục giảm cũng khiến các doanh nghiệp đau đầu. Có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất, khiến ngành chăn nuôi gia cầm phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), chủ một trang trại nuôi gà, diện tích gần 10 ha, quy mô 100.000 con cho biết, cơ sở của ông ngưng hoạt động hơn 2 tháng qua vì lỗ nặng. Nguyên nhân vì giá thức ăn chăn nuôi ở mức bình quân 13.500 đồng/kg. Để cho ra 1 kg gà thịt công nghiệp, cần từ 1,6 kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Cộng hết các loại chi phí, giá thành một con gà 2 kg là 53.000-55.000 đồng. Trong khi giá thịt chỉ ở mức 23.000-25.000 đồng/kg (46.000 - 49.000 đồng/con). Mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng.

"Một lứa gà nuôi chưa tới hai tháng, trại tôi đã lỗ đến 4 - 5 tỷ đồng", ông Ngọc than thở.

Tương tự, ông Đinh Nhật Minh, đại diện Công ty TNHH Thương mại chăn nuôi Thành Công ngậm ngùi cho biết, Công ty đã giải thể do không thể gánh được chi phí đầu vào tăng cao.

“Thị trường xuất khẩu rất khó khăn, trước kia chúng tôi có thể xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch sang Campuchia và Trung Quốc, nhưng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì tình hình thay đổi. Phía Trung Quốc cấm cửa đường chính ngạch, còn đường tiểu ngạch thì bị ảnh hưởng bởi dịch cúm”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, giá cám tăng liên tục, từ 10.000 đồng/kg, lên 13.000/kg, mà giá sản phẩm lại giảm khiến doanh nghiệp khó gồng gánh nổi.

“Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng gặp tình trạng tương tự như tôi, thậm chí khó khăn hơn vì họ vay vốn ngân hàng, phải gánh thêm khoản lãi suất tăng cao”, ông Minh cho biết thêm.

Trước thực trạng này, mới đây, VIPA đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, VIPA đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết.

VIPA cho biết, hiện nay quy định về lô hàng để tính phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chưa rõ ràng và hợp lý. Trên thực tế, đối tượng khách hàng của các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm rất đa dạng, trong đó nhiều khách hàng nhỏ lẻ chỉ đặt mua 1 đơn hàng khoảng 5 - 10 kg thịt, nhưng khi kiểm dịch, cán bộ chuyên ngành vẫn tính là một lô hàng và thu phí 100.000 đồng, ngang bằng với mức phí kiểm dịch 1 container. Quy định này đã làm tăng chi phí sản xuất tại các nhà máy giết mổ gia cầm.

Mặt khác, trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thì nhiều quy định khác như thu phí kiểm dịch 200 đồng/con gia cầm, quy định về việc thực hiện thêm một bước công bố hợp quy độc lập khác theo Thông tư số 05/VBHN-BKHCN ngày 28/8/2017… đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị các bộ, ngành xem xét lại, phối hợp với nhau thực hiện những giải pháp hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Song song với đó, cũng cần cụ thể hóa các chỉ tiêu, lộ trình thực hiện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ lực trong từng giai đoạn, đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính, quy định kỹ thuật đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ đàm phán. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hành động thiết thực như miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư.

82,3% doanh nghiệp khó tiếp tục hoặc phải giảm kinh doanh trong các tháng cuối năm
Thông tin đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư