Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp chế biến gỗ, thủy sản sẽ có định mức tiêu thụ năng lượng
Trần Hà - 13/11/2018 17:30
 
Doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và thủy sản sẽ phải thực hiện các quy định về định mức tiêu thụ năng lượng và có các giải pháp giảm mức tiêu thụ năng lượng để phát triển bền vững.

Chế biến tôm, cá da trơn vào tầm ngắm tiết kiệm năng lượng

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản với 2 sản phẩm chủ đạo là tôm đông lạnh và cá da trơn đông lạnh. Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt ban hành vào cuối năm 2018. 

Việc xây dựng và thực hiện quy định về mức sử dụng năng lượng với ngành chế biến gỗ cần có lộ trình và nguồn lực.
Việc xây dựng và thực hiện quy định về mức sử dụng năng lượng với ngành chế biến gỗ cần có lộ trình và nguồn lực.

Theo đó, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy sản thuộc 2 tiểu ngành chế biến tôm đông lạnh và cá da trơn đông lạnh phải đảm bảo suất tiêu hao năng lượng không quá định mức tiêu hao năng lượng quy định và có các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Bộ Công thương sẽ siết chế tài ở thời điểm sau 2025. 

Lý giải việc lựa chọn tôm và cá da trơn để đưa ra định mức tiêu thụ năng lượng, ông Đỗ Kim Cương, chuyên gia tư vấn về sử dụng năng lượng hiệu quả ngành thủy sản cho rằng, đây là 2 tiểu ngành có tiềm năng tiết kiệm điện cao (ở mức 41% đối với cá và 49% đối với tôm). Lãng phí lớn nhất đang đến từ công đoạn điều hành sản xuất, vận hành thiết bị. 

“Tổng lượng điện tiêu thụ của ngành thủy sản đông lạnh ước khoảng 2 tỷ kWh/năm và có thể giảm ít nhất 15% bằng các giải pháp tốn ít hoặc không mất chi phí đầu tư (tiết kiệm 300 triệu kWh/năm). Những thiết bị lạnh khác, như điều hòa nhiệt độ, hàng năm tiêu thụ khoảng 36 tỷ kWh và có thể tiết kiệm tối thiểu 25%. Nếu có chương trình dài hạn, áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện thì sẽ tiết kiệm một lượng điện rất lớn”, ông Cương nói. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Minh Phú hiện sản xuất hơn 1.000 mặt hàng sản phẩm tôm khác nhau, xuất khẩu khắp các thị trường. Mỗi mặt hàng có mức tiêu hao năng lượng khác nhau ứng với quy trình sản xuất khác nhau.

“Hiện tất cả các nhà máy của chúng tôi đều sử dụng công nghệ mới nhất, tiết kiệm tới 40% điện năng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thô hiện chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc và chỉ tiêu tốn năng lượng ở khâu đông lạnh. Do đó, thông tư của Bộ Công thương cần tính tới mức tiêu hao năng lượng cho từng mặt hàng cụ thể”, ông Quang nói. 

Lộ trình cho ngành chế biến gỗ 

Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia tư vấn năng lượng cho biết, kịch bản năng lượng bền vững cho ngành chế biến gỗ đã được xây dựng với 20 giải pháp được đưa ra. Nếu kịch bản này được thực hiện, nhu cầu năng lượng của ngành có thể tăng với tốc độ thấp hơn, ở mức 7,2%/năm. Vào năm 2030, ngành sẽ giảm 10,4% nhu cầu năng lượng so với kịch bản thông thường; giảm 5,6% phát thải khí nhà kính vào năm 2020 và giảm 14,9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tương đương giảm 787.000 tấn CO2. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ, việc xây dựng thông tư quy định về mức sử dụng năng lượng với ngành chế biến gỗ cần có lộ trình và nguồn lực. 

Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Hải, điều phối viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhận định: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang giúp một số ngành như da giày, dệt may đuợc hưởng lợi khi chuỗi cung ứng dịch chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ rất có thể ở thế ngược lại. Do đó, chưa cần có chế tài, doanh nghiệp chế biến cũng đã phải tính tới các giải pháp tiết kiệm năng lượng”. 

Liên quan tới lo ngại từ phía doanh nghiệp về nguồn tài chính để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bà Vũ Tường Anh, Phụ trách Chương trình Tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, với những giải pháp cần vốn đầu tư dưới 10.000 USD, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư được, nhưng với những dự án quy mô từ 100.000 USD trở lên, doanh nghiệp có thể thuê thiết bị từ đơn vị khác (mô hình Esco).

Theo đó, doanh nghiệp và bên cho thuê thiết bị tự thỏa thuận với nhau. Doanh nghiệp chỉ phải trả cho bên cho thuê thiết bị dựa trên phần lợi nhuận có được từ tiết kiệm năng lượng, còn những vấn đề kiểm toán năng lượng, vay ngân hàng… đều do bên cho thuê thiết bị đảm nhận. Tại Việt Nam, Vietcombank và BIDV đang cho vay theo mô hình Esco. IFC cũng đã liên kết với VietinBank và VPBank cho doanh nghiệp vay dựa trên đánh giá các dự án phát triển xanh với thời hạn vay dài hơn và lãi suất ưu đãi hơn.

Hà Nội thí điểm chiếu sáng vùng nông thôn bằng pin năng lượng mặt trời
Thành phố Hà Nội đang khuyến khích người dân sử dụng công nghệ mới hiệu suất cao và tiết kiệm điện và xây dựng Đề án thí điểm pin năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư