Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp chê thủ tục, ngân hàng chật vật với tín dụng xanh
Hà Tâm - 05/10/2023 16:35
 
Lãi suất vô cùng ưu đãi, song không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với tín dụng xanh, bởi thủ tục không hề đơn giản.
Dư nợ cho vay lĩnh vực xanh hiện tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) 

Chê thủ tục, ngại rủi ro

“Xanh hóa” danh mục cho vay đang là xu hướng của nhiều ngân hàng trên toàn cầu và đang lan đến Việt Nam. Theo mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, đến năm 2025, sẽ có 100% tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh với quy mô chiếm 10% tổng dư nợ nền kinh tế. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, toàn hệ thống mới có hơn 40 tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh với quy mô chiếm 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế - còn cách khá xa mục tiêu 10%.

Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dự án xanh thường tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn so với dự án truyền thống, vì nhiều dự án lần đầu triển khai, khó đánh giá rủi ro (ví dụ dự án điện gió, điện mặt trời). Với nhiều dự án xanh, doanh nghiệp tự đánh giá 5 - 7 năm thu hồi vốn, nhưng thực tế có khi 20 năm mới thu hồi được vốn do chi phí bị đội lên, dòng tiền thu về không như mong muốn. 

Hiện NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Một số doanh nghiệp cho rằng, các quy định của Thông tư khiến việc tiếp cận tín dụng xanh khó khăn.

Tuy vậy, bà Văn Thành Khánh Linh, Phó tổng giám đốc BVBank cho rằng, rào cản chính là ở tâm lý người vay. Bản thân doanh nghiệp ngại phải thay đổi quy trình sản xuất, phải làm các bản đánh giá tác động, hay khi ngân hàng tới kiểm tra nơi sản xuất... “Các doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi phí khi nền kinh tế khó khăn. Để đảm bảo tiêu chuẩn xanh để vay tín dụng xanh, họ lại phải tốn chi phí, đây là điều khiến doanh nghiệp e ngại”, bà Linh khẳng định.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cũng cho hay, khi dự định cấp tín dụng xanh, ngân hàng sẽ đánh giá rủi ro môi trường xã hội với dự án. Tuy nhiên, khi được tham vấn, nhiều doanh nghiệp cho biết, chưa muốn làm theo hướng ngân hàng đề xuất, mà chuyển sang vay thông thường.

Được biết, trong số 12 lĩnh vực xanh mà NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Tuy vậy, các dự án điện mặt trời thua lỗ thời gian qua cho thấy, rủi ro của ngân hàng và doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này bao gồm cả khó khăn về thiếu kinh nghiệm đầu tư lẫn rào cản về chính sách. 

Vì vậy, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, tín dụng xanh là hướng đi bắt buộc phải hướng tới, song cần có sự đồng hành của cả Chính phủ.

Ngân hàng đói vốn dài hạn

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, bây giờ không phải là lúc đủng đỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu tín dụng xanh, mà cần phải bắt tay làm ngay. Tuy nhiên, sở dĩ các ngân hàng còn ngại ngần đầu tư vào các dự án xanh vì vốn ngân hàng huy động ngắn hạn, nhưng cho vay đầu tư dự án xanh, dự án về môi trường đòi hỏi vốn dài hạn.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh xác định mục tiêu đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD vào năm 2050 (khoảng 10% GDP), trong đó tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8 - 2% GDP. Để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam cần dựa vào rất nhiều nguồn vốn: đầu tư công, viện trợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối, trái phiếu xanh, tín dụng xanh…, trong đó vốn tín dụng xanh giữ vai trò hết sức quan trọng.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

 

Lâu nay, để phát triển tín dụng xanh, các ngân hàng thương mại thường tận dụng nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài (danh mục xanh hóa tại nhiều ngân hàng có tới 90% phụ thuộc vốn nước ngoài). Vì vậy, để tăng trưởng bền vững, cần đa dạng kênh huy động vốn cho lĩnh vực này.

Theo bà Khánh Linh, chiến lược dài hơi về xanh hóa tín dụng cần nguồn lực nhiều bên, đồng thời cần có sự ưu đãi hơn của NHNN trong “thưởng” room tín dụng. Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải phát triển đồng bộ thị trường vốn trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc tín dụng xanh, không thể trông chờ hết vào ngành ngân hàng, mà cần có giải pháp thu hút nguồn vốn dân cư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài (như trái phiếu xanh, thị trường chứng chỉ carbon…), từ đó trở thành nguồn vốn trun,g dài hạn cho dự án đầu tư xanh.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán vốn trung, dài hạn cho các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ (NHNN Chi nhánh TP.HCM) cho rằng, cần phải có chính sách vĩ mô của Chính phủ để dòng tiền ổn định, người dân gửi tiền kỳ hạn dài hơn.

Bên cạnh đó, NHNN có thể đưa ra chính sách ưu đãi hơn về lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xanh. Về lâu dài, cần tính tới huy động trên thị trường vốn, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng, dẫn tới lệch pha kỳ hạn.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Doanh nghiệp, ngân hàng vẫn vướng
Dư nợ cho vay tín dụng xanh mới chiếm 4,1% tổng dư nợ, song có tốc độ tăng trưởng mạnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư