Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thúc tín dụng xanh: Thừa vốn, thiếu cơ chế để cho vay
Hà Tâm - 23/03/2023 08:33
 
Dư nợ tín dụng xanh toàn hệ thống tính tới cuối năm 2022 mới đạt trên 500.000 tỷ đồng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, hành lang pháp lý thiếu rõ ràng là nguyên nhân khiến tín dụng xanh chưa thể chảy mạnh.

Ngân hàng than khó giải ngân

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 diễn ra cuối tuần qua, bà Michele We, Trưởng nhóm công tác Ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh.

Theo bà Michele Wee, hành lang pháp lý đang là trở ngại trong việc tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp Việt. Nếu có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh.

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,359 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế.​​​​

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank dành nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh, song không dễ giải ngân. “Tại nhiều địa phương, tìm mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất hàng hóa thì rất dễ, song mô hình ‘xanh’ thì rất khó, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chứng nhận”, bà Phượng lý giải.

Những năm gần đây, tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, dư nợ tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống cũng như yêu cầu về chuyển đổi xanh.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng khung khoản vay bền vững cũng như quy trình thẩm định tín dụng xanh.

Giữa tháng 2/2023, Ngân hàng BIDV đã ban hành “Khung Khoản vay bền vững”. BIDV cũng là ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng xanh với tổng vốn cam kết cấp tín dụng xanh đến cuối năm 2022 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Agribank đã ban hành một loạt văn bản về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng TMCP tư nhân cũng đã tham gia “sân chơi” tín dụng xanh, song lượng giải ngân chưa nhiều. Theo các chuyên gia ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng e ngại giải ngân tín dụng xanh (trong đó có năng lượng tái tạo) là do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn.

Thiếu dự án, thiếu cả pháp lý

Để thúc đẩy tín dụng xanh, theo bà Nguyễn Thị Phượng, cần có nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có cơ chế song hành để thúc đẩy. Đơn cử, công tác quy hoạch môi trường phải gắn với vùng trồng, thổ nhưỡng, phát thải của cả một vùng, tiếp đến là hướng dẫn sản xuất... Chỉ khi có cơ chế phối hợp tổng thể, thì các dự án mới dễ đạt được chứng nhận dự án xanh và tín dụng xanh mới được thúc đẩy.

Trước đó, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã chỉ ra một số lý do khiến tín dụng xanh tăng chậm. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên cán bộ tín dụng gặp khó khăn trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…

Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC), nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Do đó, NHNN cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để các tổ chức tín dụng triển khai.

Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về tín dụng xanh. Đầu tháng 6/2023, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực. Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Các chuyên gia kỳ vọng, các văn bản trên sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh. Dù vậy, mấu chốt để tín dụng xanh tăng trưởng vẫn phải là thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

“Nếu chỉ ngành ngân hàng đưa ra các gói tín dụng xanh, mà các địa phương không có dự án xanh, thì giải ngân khó đạt kỳ vọng. Để thúc đẩy tín dụng xanh, vai trò của các địa phương trong quy hoạch, hướng dẫn các mô hình sản xuất, khuyến khích dự án đạt tiêu chí xanh… rất quan trọng”, bà Phượng nhấn mạnh.

Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thống đốc NHNN đã có chỉ thị nêu rõ, tập trung xây dựng cơ sở pháp lý phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, tập trung phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển tín dụng xanh. Hiện tại, chính sách tín dụng của NHNN cũng tập trung cấp cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh.
Đề xuất tiêu chí môi trường với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh
Bộ TN&MT đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư