Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Doanh nghiệp, ngân hàng vẫn vướng
T.L - 08/10/2022 14:29
 
Dư nợ cho vay tín dụng xanh mới chiếm 4,1% tổng dư nợ, song có tốc độ tăng trưởng mạnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng tín dụng xanh cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Các tổ chức tín dụng cũng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Mặc dù vậy, theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ ( Ngân hàng Nhà nước), việc phát triển tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Theo bà Hằng,, cần phải có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, phải xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo thêm kênh huy động vốn để các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đồng quan điểm, đại diện từ Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) – doanh nghiệp vừa phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm  - đưa ra bài học, muốn phát hành trái phiếu xanh cần xây dựng bộ công cụ, tài liệu đánh giá về môi trường xã hội gồm: Chính sách môi trường xã hội; khung trái phiếu xanh; hệ thống quản lý Môi trường - xã hội (ESMS) và báo cáo ESG. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức có uy tín và kinh nghiệp trong phát triển xanh và bền vững.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh đề đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.    

Đồng thời, Phó thống đốc khẳng định, trong thời gian tới  Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế.

REE vay tín dụng xanh 900 tỷ đồng cho dự án toà nhà văn phòng
Lần đầu tiên HSBC cấp tín dụng xanh tài trợ dự án bất động sản cho một doanh nghiệp Việt Nam. Kỳ hạn khoản vay lên tới 7 năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư