Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Doanh nghiệp có thể tự công bố giá xăng dầu
Thế Hải - 28/04/2025 15:54
 
Theo Dự thảo 6 về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất chuyển việc công bố giá xăng dầu về cho các thương nhân đầu mối, phân phối.
Bộ Công thương đề xuất chuyển việc công bố giá xăng dầu về cho các thương nhân đầu mối, phân phối.
Bộ Công thương đề xuất chuyển việc công bố giá xăng dầu về cho các thương nhân đầu mối, phân phối.

Đề xuất doanh nghiệp công bố giá xăng dầu

Bộ Công thương vừa có dự thảo lần 6 về Nghị định kinh doanh xăng dầu. 

Dự thảo này được xây dựng lại sau khi lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cập nhật hàng loạt vấn đề nóng, bao gồm: nguyên tắc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường; quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng; dự trữ xăng dầu…

Tại dự thảo 6, nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu đã được Bộ Công thương điều chỉnh hoàn toàn theo hướng thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp theo Luật Giá để ổn định thị trường khi có cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường.

Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu phải thông báo công khai giá bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống và thông báo cho thương nhân bán lẻ khác do mình cung ứng, thông tin trên trang thông tin điện tử của thương nhân, trên các phương tiện thông tin truyền thông khác (nếu có) ngay sau khi điều chỉnh giá.

Cụ thể, giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giá và theo cơ chế thị trường.

Theo đó, giá bán xăng dầu được tính bằng công thức: Chi phí tạo nguồn + chi phí kinh doanh + lợi nhuận + thuế giá trị gia tăng.

Trong đó, chi phí tạo nguồn, gồm: chi phí tạo nguồn từ nguồn nhập khẩu, chi phí tạo nguồn từ nguồn trong nước, do thương nhân tự xác định theo thực tế kinh doanh, thay vì Bộ Công thương sẽ áp khung giá như các dự thảo trước.

Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối sẽ được tự tính toán và công bố giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống của mình, sau đó thông báo về Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh, Sở Công thương và Chi cục Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá theo Luật Giá.

Về thời gian công bố giá xăng dầu, dự thảo lần 6 quy định: "Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu công bố giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân vào ngày thứ Năm hàng tuần. Trường hợp công bố giảm giá bán lẻ xăng dầu, không hạn chế số lần giảm giá giữa 2 kỳ công bố giá".

Trường hợp thời gian công bố giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được thực hiện như sau: Trường hợp thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết), việc công bố được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Trường hợp thứ Năm trùng vào ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, việc công bố được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian công bố giá trùng vào dịp nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Trường hợp thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, việc công bố được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Trường hợp thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, việc công bố được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Thương nhân phân phối được mua xăng dầu của nhau

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần này là Bộ Công thương đã thay đổi quan điểm khi quy định, các thương nhân phân phối xăng dầu được mua từ các thương nhân phân phối khác. Quy định này đã khác với  những dự thảo trước.

Đồng thời, thương nhân phân phối được bán, cung ứng xăng dầu cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, cho thương nhân bán lẻ xăng dầu, được phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc, bao gồm các công ty con, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân.

Về dự trữ, lưu thông xăng dầu, dự thảo 6 quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20  ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân của thương nhân trong một ngày của năm trước liền kề, theo từng chủng loại xăng, dầu.

Trường hợp thương nhân mới được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng năm trước chưa thực hiện tiêu thụ nội địa, mức dự trữ lưu thông được tính theo bình quân một ngày trong năm.

Cùng đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được sử dụng xăng dầu dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung trong hệ thống phân phối của thương nhân tại địa bàn và trong thời gian cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.



Bộ Công thương giải thích nội dung gây tranh cãi trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu
Theo Vụ thị trường trong nước, quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau không làm mất đi tính cạnh tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư