Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Đan Mạch tìm cơ hội tại Việt Nam
Thế Hải - 21/08/2022 08:15
 
Giao thương giữa Việt Nam-Đan Mạch đang được thúc đẩy bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các doanh nghiệp Đan Mạch cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác

Mới đây, 13 doanh nghiệp Đan Mạch hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm… đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam với quy mô gần 100 triệu dân, ông Troels Jakobsen, tham tán thương mại (Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam) nhấn mạnh: “EVFTA với nhiều cam kết mở cửa thị trường bắt đầu bước sang năm thực thi thứ 3, là cầu nối quan trọng để Đan Mạch xuất khẩu nhiều hàng hóa nông sản, thực phẩm và tăng sự hiện diện của các doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam”.

Vị tham tán thương mại chia sẻ, nhiều năm qua, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đầu tư mạnh vào các thiết bị, giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng ít nước và năng lượng hơn.

Điều này lý giải tại sao, Đan Mạch luôn sản xuất ra lượng lương thực nhiều gấp 3 lần mức tiêu thụ ở trong nước, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn ở mức cao nhất, có thể truy xuất nguồn gốc, quản lý thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro…, từ đó gây dựng được niềm tin lớn với thị trường toàn cầu.

Đan Mạch hiện có 33.128 trang trại, 66.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và trồng trọt, năng lực sản xuất 132.000 tấn thịt bò; 5,7 triệu tấn sữa; 1,96 triệu tấn thịt lợn; 166.900 tấn thịt gia cầm; 9,6 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm. Điểm quan trọng nhất là, quá trình sản xuất luôn thực hành tuần hoàn tài nguyên thiên nhiên. Các công ty tư nhân Đan Mạch là chuyên gia trong việc tối ưu hóa các nguồn lực trong chuỗi sản xuất.

Hơn 20 năm qua, Đan Mạch đã giảm được 50% phát thải trong sản xuất nông nghiệp và mong muốn tiếp tục nâng cao tỷ lệ này, với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Đầu tư mạnh vào công nghệ

Từ kinh nghiệm của các công ty Đan Mạch, coi chuyển đổi xanh là chìa khóa để sản xuất và xuất khẩu bền vững, tiết kiệm tài nguyên, ông Jeppe Søndergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế (Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch) chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, minh bạch rõ ràng, cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời giảm phát thải, như mô hình Đan Mạch đang thực hiện.

“Việt Nam cần đầu tư phát triển chuỗi giá trị trọn vẹn trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới tăng dần sản lượng hàng hóa nông sản hữu cơ để thu về giá trị cao”, ông Jeppe Søndergaard Pedersen khuyến nghị.

Hiện diện tại Việt Nam từ nhiều năm nay, TITAN Containers - doanh nghiệp Đan Mạch chuyên cung cấp các giải pháp về chuỗi cung ứng lạnh - đang mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh tại đây. Ông Henrik Nørgaard, Giám đốc chất lượng và môi trường toàn cầu của TITAN Containers khẳng định, thị trường Việt Nam rất quan trọng với TITAN Containers.

“Hầu hết thực phẩm chúng ta ăn đều trải qua giải pháp logistics chuỗi cung ứng lạnh thông qua vận chuyển và lưu trữ, kiểm soát nhiệt độ từ khi thu hoạch hoặc sản xuất cho đến tủ lạnh hay tủ đông của mỗi gia đình. TITAN Containers sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất tại Việt Nam đảm bảo sản phẩm sau thu hoạch tới tay khách hàng được tươi ngon, chất lượng nhất”, ông Henrik Nørgaard nói.

Tương tự, Aco Funki, nhà cung cấp hàng đầu châu Âu về thiết bị chuồng trại cho các cơ sở chăn nuôi heo trên toàn thế giới cũng rất coi trọng thị trường Việt Nam. Đại diện doanh nghiệp đánh giá cao việc Việt Nam đã hút một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này tạo dư địa cho Aco Funki gia tăng cung ứng, sản xuất trang thiết bị cho các trang trại mới hoặc đã hoàn thành xây dựng, bao gồm thiết bị chuồng, hệ thống ăn khô và lỏng, hệ thống sàn, hệ thống nước, các linh kiện và phụ tùng thay thế.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, các đại diện phía Đan Mạch nhấn mạnh yếu tố hợp tác với khu vực tư nhân để bổ trợ cho quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Phùng Đức Tiến đánh giá, hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua.

Với sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp, việc bắt tay với các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững, khép kín, công nghệ cao, tuần hoàn.

Việt Nam là đích đến của doanh nghiệp Đan Mạch
Nhiều nội dung hợp tác quan trọng đã được thảo luận tại Phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch mới diễn ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư