Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Đan Mạch muốn cùng doanh nghiệp Việt đầu tư nông nghiệp giảm phát thải
Thế Hoàng - 17/08/2022 15:48
 
13 doanh nghiệp Đan Mạch hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đã có mặt tại Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
Đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

13 doanh nghiệp Đan Mạch hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, từ cung cấp giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ…. đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư, mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững và tăng xuất khẩu sản phẩm vào thị trường gần 100 triệu dân.

Các doanh nghiệp đã có buổi giao thương trực tiếp với doanh nghiệp và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hà Nội trong sáng 17/8 và tiếp tục giao thương tại TP. HCM vào ngày 19/8.

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm là một phần trong nỗ lực của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội đồng Nông nghiệp & Lương thực Đan Mạch nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm sau gần hai năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch cho biết: Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.

"Chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu, theo đó các công ty và chuyên gia Đan Mạch  sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững", ông Troels Jakobsen nói.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Việt Nam hiện tiếp tục là một quốc gia đối tác quan trọng của chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.

Ông Jeppe Søndergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư phát triển chuỗi giá trị trọn vẹn trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới tăng dần sản lượng hàng hóa nông sản hữu cơ để thu về giá trị cao, cùng đó quá trình sản xuất đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu và môi trường xung quanh.

Đan Mạch hiện có 33.128 trang trại, 66.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và trồng trọt, năng lực sản xuất 132.000 tấn thịt bò, 5.7 triệu tấn sữa, 1.96 triệu tấn thịt lợn, 166.900 tấn thịt gia cầm, 9.6 triệu tấn ngũ cốc..,

Nhưng quan trọng nhất là quá trình sản xuất phải thực hành tuần hoàn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo được sản xuất nhiều hơn nhưng đầu vào ít hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn. Do đó, dù là quốc gia nhỏ tại EU, nhưng sản phẩm nông nghiệp của Đan Mạch lại được xuất khẩu rộng rãi tới nhiều thị trường lớn.  Các công ty tư nhân Đan Mạch là chuyên gia trong việc tối ưu hóa các nguồn lực trong chuỗi sản xuất.

Đặt ra mục tiêu sản xuất nông nghiệp xanh, giảm thiểu phát thải, tiến tới tuần hoàn, những năm qua, Đan Mạch đã đạt được kết quả đáng nể trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm. Cụ thể, lượng thuốc trừ sâu sử dụng năm 2019 giảm 53% so với năm 2010, sản xuất hữu cơ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt  4,121 trang trại canh tác hữu cơ trên 310,000 hecta đất.

Từ kinh nghiệm của các công ty Đan Mạch, coi chuyển đổi xanh là chìa khóa để sản xuất, và xuất khẩu bền vững, tiết kiệm tài nguyên, ông Søndergaard Pedersen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, doanh nghiệp Việt có thể thông qua hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, minh bạch rõ ràng, cập nhật kiến thức để đạt tới sản xuất nhiều hơn, phát thải ít hơn như mô hình Đan Mạch đang thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua.

Với sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp, việc bắt tay với các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian để đạt tới hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững, khép kín, công nghệ cao, tuần hoàn.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hep, ở cấp vĩ mô, các đại diện phía Đan Mạch nhấn mạnh yếu tố hợp tác đối tác với khu vực tư nhân trong các vai trò khác nhau để bổ trợ cho quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư