Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đan Mạch khuyến nghị gì trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021
Thanh Hương - 02/06/2022 14:36
 
Gần 70% phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đến từ hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng nên hành động trong ngành năng lượng rất quan trọng với quá trình chuyển dịch xanh nền kinh tế.

Theo ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đây cũng là mục tiêu của Đan Mạch. Cam kết mạnh mẽ này đã gửi đi một thông điệp quan trọng đến thế giới cho thấy định hướng và quyết tâm của Việt Nam theo hướng phát triển xanh và phát thải carbon thấp.

Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam
Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam

Cho rằng, gần 70% phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đến từ hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng, Đại sứ Kim Højlund Christensen cũng nhấn mạnh, hành động trong ngành năng lượng là hết sức quan trọng đối với quá trình chuyển dịch xanh nền kinh tế

“Đan Mạch là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi đã thực hiện quá trình chuyển dịch xanh trong nhiều thập kỷ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như các giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn 30 năm qua, phát thải khí nhà kính tại Đan Mạch đã giảm 36% nhờ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, hiện tại chiếm hơn 80% công suất phát điện. Theo các chuyên gia, Đan Mạch có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không ngay từ năm 2040 căn cứ vào kết quả các nỗ lực hiện tại, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch đề ra”, Đại sứ Kim Højlund Christensen nói.

Tại Hội nghị COP15 tại Copenhagen năm 2009, các quốc gia phát triển đã cam kết huy động 100 tỷ USD hàng năm làm nguồn tài chính khí hậu cho các quốc gia đang phát triển. Đan Mạch đã cam kết và sẽ cung cấp ít nhất 500 triệu USD hàng năm tính đến năm 2023.

Báo cáo này cung cấp phân tích dựa trên số liệu thực tế về các kịch bản dài hạn cho hệ thống năng lượng của Việt Nam đến năm 2050. Ấn phẩm này được xây dựng nhằm cung cấp định hướng cho các nhà hoạch định chính sách và thúc đẩy thảo luận về quá trình chuyển dịch xanh. Báo cáo cũng cung cấp những thông tin đầu vào cụ thể nhằm hỗ trợ triển khai Quy hoạch phát triển điện quốc gia VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia của Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ. 

Các chuyên gia Đan Mạch trao đổi về các khuyến nghị được đưa ra troing Báo cáo
Các chuyên gia Đan Mạch trao đổi về các khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo

Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2021 trình bày và thảo luận những phát hiện và đánh giá mới nhất về những lộ trình phát triển trung hạn và dài hạn cho hệ thống năng lượng Việt Nam, trong đó có con đường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không.

“Với kinh nghiệm, chuyên môn và sáng kiến của Đan Mạch, cùng với các đối tác của chúng tôi ở khu vực Châu Âu, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch ngành năng lượng nhằm đạt được mục tiêu đề ra theo cách thức hiệu quả và công bằng nhất”, Đại sứ nhận xét.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) xem xét các định hướng phát triển ngành năng lượng , bao gồm định hướng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Bên cạnh kịch bản đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không với chi phí thấp nhất, báo cáo còn xem xét một số kịch bản khác tập trung vào các lĩnh vực hoặc chủ đề cụ thể.

Những khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

1. Có thể đạt được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách. Hành động sớm là cần thiết để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao.

2. Để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, và dự kiến đáp ứng 70% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Ước tính chi phí đầu tư hàng năm vào ngành điện chiếm khoảng 11% GDP quốc gia được dự báo vào năm 2050. Do đó, điều quan trọng là cần tiếp cận với các giải pháp tài chính có chi phí thấp.

3. Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, khuyến nghị hạn chế mở rộng các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện nay là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

4. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, các hệ thống lưu trữ năng lượng cần đóng vai trò trung tâm, nhưng chỉ sau năm 2030 mới cần đến pin lưu trữ và giải pháp này mới có hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết tại Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện. Trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc. Phân tích cho thấy chi phí truyền tải thực tế không quá tốn kém. Tăng cường truyền tải là cần thiết dù sớm hay muộn, và do công nghệ này đã phát triển chín muồi, đây là giải pháp cần lựa chọn đầu tiên. Một hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin có thể chờ đến sau này.

5. Hành động sớm là cần thiết để khử cac-bon cho ngành giao thông. Các lợi ích bổ sung bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển sang các phương thức vận tải công cộng, vận tải hàng hóa bằng đường sắt. 
Các dự án nguồn điện lớn gặp khó, nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự kiến đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240 MW. Tuy nhiên, tiến độ các công trình này đang chậm, sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư