Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021
Thanh Hương - 02/06/2022 10:36
 
Báo cáo cung cấp trriển vọng phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 được công bố sáng ngày 2/6 là một sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch.

Báo cáo cung cấp nền tảng trên cơ sở kịch bản hoá để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết.

Đặc biệt, ấn phẩm ban hành năm nay xem xét các kịch bản tương lai với các phát hiện và khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương

Với dân số gần 100 triệu người, nằm trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển năng động, Việt Nam là quốc gia có qui mô nền kinh tế đang tăng nhanh. Việt Nam đã trải qua 30 năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7%, kể cả trong  thời kỳ suy giảm kinh tế thế giới 2006 - 2010 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19,  trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới (kể cả những nền kinh tế lớn) rơi vào suy thoái, dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi nền kinh tế, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương ở mức khá.

Đặc biệt từ quý 4/2021, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ nét, đạt tăng trưởng GDP 2,58%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực: sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,6% (trong đó xuất khẩu tăng 16,4%), thương mại, dịch vụ trong nước đang tăng trở lại.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin của doanh nghiệp vào kết quả sản xuất kinh doanh đang tăng lên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Những kết quả trên đã chứng tỏ sức dẻo dai của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và con người Việt Nam.

Gần đây nhất, S&P Global Rating đã nâng xếp hạng mức tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam  sẽ ở mức 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 -  7% từ năm 2023. Sau đại dịch Covid -19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Đồng thời, cũng với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

“Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có Hydro, amoniac xanh, v.v... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế”, ông Đặng Hoàng An nói.

So với các ấn phẩm năm 2017 và 2019, Báo cáo Triển vọng năng lượng 2021 đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 cũng trình bày các kết quả nghiên cứu về: các kịch bản phát triển điện và năng lượng; khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn; Cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

“Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Đặng Hoàng An nhận xét.

Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện quốc gia đến năm 2030 khoảng 146.000 MW
Dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư