Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may bức xúc khi BigC ngưng nhận hàng
Thị Hồng - 03/07/2019 20:43
 
Trưa 3/7, nhiều doanh nghiệp dệt may căng băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở Central Group Việt Nam tại quận Phú Nhuận, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC phản đối nhà bán lẻ này đột ngột ngưng nhận đơn hàng.

Các doanh nghiệp dệt may cho biết, họ là những nhà cung cấp mặt hàng thời trang cho hệ thống siêu thị, tuy nhiên, hôm nay một số kho hàng của BigC từ chối nhận hàng.

Trước tình trạng lượng các nhà cung cấp kéo đến ngày càng đông, đại diện chuỗi siêu thị này buộc sắp xếp buổi làm việc với các nhà cung cấp. 

.
Đại diện các doanh nghiệp dệt may phản đối việc ngưng nhận hàng của BigC (Ảnh: QT)

Tại buổi đối thoại, đại diện Big C giải thích, do kế hoạch của doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình nên tạm thời không nhận đơn hàng mới, nhưng sẽ nhận những đơn hàng đã đặt với nhà cung cấp. Central Group Việt Nam đưa ra cam kết sẽ email thông tin đến cho nhà cung cấp ngay trong ngày hôm nay, đồng thời tổ chức buổi gặp mặt riêng để giải thích về mô hình mới.

“BigC cam kết không loại bỏ hàng may mặc đang chiếm tỷ trọng lớn trong mô hình kinh doanh của mình”, đại diện siêu thị này cho hay.

Dù vậy, các doanh nghiệp dệt may đối tác của Big C chưa hài lòng với lời giải thích trên và hoang mang khi chưa thể đưa ra quyết định xử lý việc này như thế nào bởi đang mất lòng tin.

“Nếu Big C không nhập hàng thì thiệt hại rất lớn, vì mỗi doanh nghiệp cung ứng hàng cho Big C có từ 200 – 300 công nhân. Riêng trong hôm nay thì số công nhân này đã phải cho nghỉ hết vì không biết làm gì cho đơn hàng mới”, bà Thọ, đại diện công ty may Đài Trang nói và cho biết, các nhà cung cấp thường chuẩn bị hàng từ 3 – 6 tháng trước khi giao cho Big C. Hiện, kho hàng còn tồn đọng nhiều vải vóc, nguyên phụ liệu.

“Bên Big C hứa 2 tuần nữa quay trở lại nhưng không biết có đúng không. Chưa kể phía công nhân, không có việc để giao liên tục trong 2 tuần họ sẽ hoang mang và đi tìm việc chỗ khác. Doanh nghiệp phá sản thì rất dễ. Muốn chọn 1 đơn vị khác để hợp tác thì cần thời gian trong khi chúng tôi đã đồng hành với Big C 20 năm rồi”, đại diện công ty may Đài Trang chia sẻ.

.
Các doanh nghiệp dệt may vẫn căng băng rôn phản đối và không hài lòng với lời giải thích của đại diện chuỗi siêu thị BigC (Ảnh: QT)

Một số doanh nghiệp khác cho rằng, nếu BigC đưa ra kế hoạch thay đổi mô hình cho ngành hàng này cần trao đổi với các đơn vị cung ứng hàng, thay vì ngưng nhận hàng.

“Họ nói ngưng nhận hàng một thời gian nhưng chúng tôi không biết sẽ trong bao lâu. Chúng tôi không hài lòng ở chỗ, ban lãnh đạo chuỗi siêu thị đưa ra thời gian cần đến 2 tuần là rất khó khăn cho công thợ sản xuất của công ty. Chưa kể khoảng 90% sản lượng hàng của chúng tôi là cung cấp trực tiếp cho Big C”, bà Nguyễn Thị Năm, đại diện công ty NTN Galon nói. 

.
Người lao động của các doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng Central Group Việt Nam trưa 03/07 (Ảnh: QT)

Theo thông báo của Central Group, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn này tại thị trường Việt Nam, BigC quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019.

Kể từ tháng 7-/2019 cho đến khi có thông báo mới, Central Group tạm thời ngừng đặt hàng của các đối tác theo Hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa quý đối tác và Central Group Việt Nam. Tất cả các vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại.

Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan. 

Vì rào cản, Saigon Co.op chấp nhận Big C thuộc về Central Group
Central Group và Nguyễn Kim đã thâu tóm được thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư