Thứ Bảy, Ngày 24 tháng 05 năm 2025,
Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng gần hết quý III/2025
Hải Yến - 24/05/2025 16:27
 
Trong bối cảnh thị trường biến động với các rủi ro liên quan đến thuế quan, nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã thích ứng nhanh để chớp thời cơ tăng xuất khẩu, mở rộng thêm đơn hàng mới tại các thị trường EU, Australia, Hàn Quốc...
Nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã có đơn hàng xuất khẩu hết quý III/2025.
Nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã có đơn hàng xuất khẩu hết quý III/2025.

Đây là chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may thuộc hệ thống Vinatex khi thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong bối cảnh chịu biến động từ chính sách thuế quan của đối tác nhập khẩu lớn.

Đơn hàng ổn cho đến tháng 8/2025

Nhận định chung, hầu hết các nhà xuất khẩu đã có đơn hàng đủ cho quý II và  gần hết quý III/2025, đang hết sức linh hoạt điều phối sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách.

Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang cho hay, doanh nghiệp đang tranh thủ thời gian làm việc để xuất hàng trong thời hạn 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng. Với những tình huống phải đàm phán để chia sẻ với khách hàng, tùy theo loại hình hợp tác (FOB hay CM) và quy mô quan hệ với từng đối tác, Đức Giang sẽ lựa chọn sao cho tối ưu, giảm thiểu tối đa phần chi phí phải chia sẻ.

“Tín hiệu tích cực là khách hàng tại Mỹ không rút lui hay giảm đơn hàng, cùng đó, một số thị trường tiềm năng như Australia, Nhật Bản và Trung Quốc đang có những chỉ dấu đơn hàng khả quan. Về tổng thể, đơn hàng duy trì ổn định đến hết tháng 7 và hiện đang tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9”, ông Lâm nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ, một tháng gần đây, tình hình các đơn hàng mới từ khách hàng Mỹ cho tháng 8 trở đi diễn ra rất chậm, thậm chí có trường hợp ngưng hẳn.

Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng nói cần theo dõi và đánh giá lại tình hình mua hàng, tiêu thụ, tồn kho và các tác động từ chính sách thuế mới.

Nhiều khách hàng đã cắt giảm số lượng đơn hàng so với dự kiến hoặc đàm phán với mức giá giảm sâu, kể cả với hàng CM và FOB. Một số khách hàng quyết định chuyển đơn hàng sang nhà máy tại Bangladesh hoặc giữ sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hòa Thọ ghi nhận có một số đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc sang, tập trung vào các lô giao trong tháng 6 và tháng 7. Để bù đắp cho các đơn hàng xuất sang Mỹ từ tháng 8 trở đi giảm mạnh, doanh nghiệp chủ động chào hàng để bổ sung cho năng lực sản xuất còn trống vào tháng 8.

Với đơn hàng đi EU và Nhật Bản, Hòa Thọ xác nhận tương đương với các tháng cuối năm 2024.

Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2025, đại diện Công ty TNHH TCT Dệt may miền Nam (VSC) cho hay, hiện tại, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết tháng 8/2025.

Trước những diễn biến liên quan đến thuế quan xuất khẩu sang Mỹ, VSC đã chủ động phát triển thêm các thị trường khác như châu Âu và Anh. Tỷ trọng đơn hàng từ các thị trường này trong những tháng cuối năm đã tăng cao hơn đáng kể so với đầu năm. 

6 tháng đầu năm thị trường ngành may có nhiều cơ hội về đơn hàng, thậm chí có thể kéo dài tới hết quý III/2025, do đó các DN cần chủ động, linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường, hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm để có dự phòng cho tổ chức sản xuất, tránh các rủi ro khi thị trường đảo chiều.
“Từ nay tới ngày 10/7, Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam, cũng như phải chờ kết quả đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, về mặt tích cực thì tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý III/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý IV/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường

Nhà xuất khẩu lớn tại phía Bắc là Tổng công ty  May Hưng Yên cho hay, May Hưng Yên đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8 và đang tiếp tục trao đổi để nhận thêm đơn hàng.

Dù hiện tại, các khách hàng cũ tại thị trường Mỹ có xu hướng giảm đơn hàng, nhưng một số khách đang đặt hàng tại Trung Quốc lại dịch chuyển sang Việt Nam. Cùng đó, thị phần từ các thị trường khác như Australia, Anh quốc và châu Âu cũng đang có xu hướng tăng lên.

Áp lực giao hàng gấp gáp hơn

Lo ngại về thuế quan nên nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu thời gian giao hàng gấp rút hơn, tạo áp lực về sản xuất tới các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

Về vấn đề phát sinh này, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho hay:  “Từ nay đến hết tháng 7, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7, tình hình sản xuất của May Hưng Yên khá căng thẳng do khách hàng yêu cầu giao hàng đúng tiến độ, không chấp nhận lùi lịch như các năm trước. Yêu cầu này từ nhà mua hàng đã đặt toàn bộ hệ thống sản xuất phải tập trung cao độ để hoàn thành các đơn hàng.

Trong khi đó, Tổng công ty May10-CTCP chia sẻ, đơn hàng đã kín đến hết tháng 7, một số chủng loại như quần jacket thì hết tháng 8, một số mặt hàng khác thì đến hết năm.

Nhưng, với các hàng đơn hàng vào đầu tháng 7, khách hàng đều yêu cầu đẩy tiến độ giao sớm, dẫn đến áp lực sản xuất rất lớn, do đó doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất linh hoạt và tăng ca để đáp ứng.

Dự báo đơn hàng cho quý IV, May 10 cho rằng, tín hiệu từ thị trường chưa thực sự khả thi, nhất là với mặt hàng sơ mi.  Bởi người tiêu dùng đã mua nhiều trong thời gian trước vì lo giá tăng, nên nhu cầu tiêu dùng trong quý III và IV dự kiến ​​sẽ giảm từ 10% đến 20%.

Hiện May 10 đang chủ động tìm kiếm và mở rộng nguồn cung nguyên liệu qua kết nối với các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, cũng  như một số doanh nghiệp tại Ấn Độ và Đài Loan…

Đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, nhưng xuất khẩu dệt may 4 tháng vẫn duy trì kết quả khả quan. Theo Cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ.

Một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, EU đều có sự tăng trưởng, riêng thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do thị trường này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải. Việc căng thẳng thương mại với chính sách thuế quan cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt vải của quốc gia này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sợi bị giảm.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, các doanh nghiệp cho rằng, quan hệ thương mại Mỹ - Trung có xu hướng hạ nhiệt với một số thỏa thuận đã đạt được; tỷ giá VND/USD đang diễn biến tích cực hơn; Tồn kho thực tế tại Mỹ đang ở mức rất thấp, nhiều nhãn hàng chỉ đủ dùng cho 6-8 tuần tới, khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm... Dẫu vậy, doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí đầu vào tăng do giá điện tăng từ 10/5, trong khi đơn giá với hàng xuất khẩu rất khó tăng.

Để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ, hiện, các doanh nghiệp đang nỗ lực ở mức cao nhất thu xếp nguyên liệu đầu vào, minh bạch  trong chứng nhận xuất xứ, đặc biệt với những đơn hàng sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu.

"Với những khách hàng mà doanh nghiệp đang hợp tác, quan điểm chung là dù thuế quan có thay đổi, họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng và hạn chế tối đa việc di chuyển chuỗi cung ứng. Vấn đề cốt lõi trong giai đoạn tới sẽ là tối ưu giá cả và xem xét lại yếu tố xuất xứ hàng hóa, chứ không phải dừng các đơn hàng", ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty May Nam Định chia sẻ.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% sau 4 tháng năm 2025
4 tháng năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13% và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư