Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may vẫn thiếu động lực chuyển đổi xanh, dù khách hàng đã "xanh hóa"
Hoài Sương - 28/07/2023 16:39
 
Không chủ động trong cả đầu vào lẫn đầu ra, nên nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hạn chế cả động lực và năng lực chuyển đổi và định hướng thị trường theo hướng bền vững hơn.

Điểm yếu còn nhiều

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp cùng Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm giải pháp khắc phục trước tác động chung của thị trường đến số lượng đơn hàng hiện nay.

Bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương nêu thực trạng, hiện nay mới chỉ có 1% sản phẩm dệt may toàn cầu được sản xuất theo quy trình tuần hoàn từ dệt đến tái chế.

Đồng tình với ý kiến này, TS Trương Thị Ái Nhi, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cho biết, các doanh nghiệp dệt may không hoàn toàn chủ động trong khâu đầu vào và đầu ra nên sẽ hạn chế về động lực, khả năng chủ động chuyển đổi về mặt nghiên cứu, cải tiến công nghệ, định hướng thị trường theo hướng bền vững hơn…

Nguyên nhân là do, nguồn cung nguyên phụ liệu hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập khẩu. Hiện nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu là nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá của ngành dệt may chỉ mới đạt 30-35% nên doanh nghiệp khó kiểm soát và tiến đến xanh hoá.

Các doanh nghiệp ngành dệt may đứng trước lựa chọn hoặc là chuyển đổi xanh hoặc là mất đơn hàng.
Các doanh nghiệp ngành dệt may đứng trước lựa chọn hoặc là chuyển đổi xanh hoặc là mất đơn hàng.

Ngoài ra, TS Phạm Thị Hồng Phượng, Giảng viên Đại học Công nghiệp TP.HCM nêu thực trạng: “Chúng tôi đã nghiên cứu thành công vải làm từ sợi bẹ chuối và sợi lá dứa, nhưng Việt Nam mới chỉ sản xuất chủ yếu theo hướng thủ công do chưa được đầu tư nhiều về công nghệ.”

Đặc biệt, dù đề án sản xuất vải từ sợi bẹ lá chuối, lá dứa đã được triển khai ở Đồng Nai và Long An, đã có doanh nghiệp đồng ý nhận xơ bẹ chuối, bạc hà dệt thành vải nhưng giá thành khoảng 200.000 đồng/kg xơ, trong khi đó, loại sợi nhập khẩu giá cao nhất hiện nay chỉ 80.000 đồng/kg.

Ông Phan Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM chia sẻ: Hiện nay chỉ mới có khoảng 15% doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi xanh. Số còn lại có tâm lý chờ thị trường hồi phục mà không nhìn nhận đây là cơ hội vàng để chuyển đổi xanh. Bangladesh có ưu thế là vì doanh nghiệp ở quốc gia này đã thực hiện từ sớm, có nhiều chứng chỉ xanh”.

Khách hàng giảm sự lựa chọn

Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) nhận định: “Nếu doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại.”

Do đó, các tiêu chí để đạt được mục tiêu “xanh hóa” như: Hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và bao bì… là một trong những yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày thực hiện.

Để đạt được điều này, bà Bà Đinh Thị Bảo Linh kiến nghị cần thực hiện tái cấu trúc các ngành xơ sợi, dệt nhuộm, may mặc và ngành sản xuất da, sản phẩm giày dép... theo hướng kết nối chuỗi giá trị, cân bằng giữa sản xuất nguyên phụ liệu với gia công sản phẩm để tạo giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ… sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý nước thải, chất thải trong các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành đã được quy hoạch.

Xuất khẩu dệt may vẫn bám mục tiêu 39-40 tỷ USD cả năm, dù khó
6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022, khả năng về đích với kim ngạch 39-40 tỷ USD ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư