Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới quý IV/2024
Thế Hải - 08/10/2024 11:25
 
Hết quý III/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về 300 tỷ USD, tăng thêm 40 tỷ USD so với cùng kỳ, dự báo về đơn hàng quý IV, 36% số doanh nghiệp dự kiến tăng, 47,6% doanh nghiệp nói ổn đinh, chỉ 16% dự kiến giảm.
36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới trong quý 4/2024.
36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý VI/2024.

Kết qủa điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu quý IV tăng lên.

Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2024 khả quan hơn với 83,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2024 (36,0% tăng, 47,6% giữ nguyên); 16,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Cùng đó, dự báo sử dụng lao động quý IV/2024 cũng tích cực hơn quý III/2024 với 90,0% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (17,1% tăng, 72,9% giữ nguyên); 10,0% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2024.
Đơn đặt hàng xuất khẩu mới ngành công nghiệp chế biến chế tạo.


Về đơn hàng xuất khẩu quý III so với quý II, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 77,8% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2024 tăng và giữ nguyên so với quý II/2024 (29,8% tăng, 48,0% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 22,2%.

Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2024 so với quý II/2024 tăng cao nhất với 44,6%.

Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 31,4%.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu quý III đã khởi sắc đáng kể so với quý trước, điển hình là nhóm hàng xuất khẩu vài chục tỷ USD, như máy tính - linh kiện điện tử quý III đạt 19,1 tỷ USD, trong khi quý II chỉ 17,3 tỷ USD, điện thoại và linh kiện lần lượt quý III 14,7 tỷ USD và quý II 12,9 tỷ USD, máy móc, thiết bị phụ tùng tăng lên 14,6 tỷ USD trong khi quý II chỉ 12,2 tỷ USD...

Về các yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, theo kết quả khảo sát, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp chế biến chế tạo là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Cụ thể, có 53% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.

Thực tế, thị trường xuất khẩu quý IV vẫn đang trên đà phục hồi, tạo dư địa cho các ngành hàng xuất khẩu nước ta chặng đường về đích, nhưng theo Bộ Công thương, sự phục hồi này chưa chắc chắn và không đồng đều. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Canada, ASEAN… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Trong Công điện ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng,… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Đồng thời, Bộ này phải nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư