Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ngại quy định cấm bán rượu, bia theo giờ
Thế Hoàng - 03/06/2019 09:59
 
Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lo ngại quy định cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau có thể khiến hoạt động kinh doanh lao dốc bởi, đây là ngành kinh tế khá đặc thù.
Nhiều DN cho rằng, quy định cấm bán rượu bia theo giờ đây là một quy định không phù hợp, nhất là đối với những nơi kinh doanh phố du lịch cho người nước ngoài hay những khu phố hoạt động về đêm.
Nhiều DN lo ngại quy định cấm bán rượu bia theo giờ  ảnh hưởng đến du lịch, dịch vụ, nhất là đối với những nơi kinh doanh phố du lịch cho người nước ngoài hay những khu phố hoạt động về đêm.

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia đã được đưa ra thảo luận và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Một nội dung gây tranh cãi tại Dự thảo là đề xuất đưa lại vào dự thảo quy định về cấm bán rượu bia theo giờ tại chỗ  sau 22 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau.

Doanh nghiệp lo ảnh hưởng kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp lo ngại quy định cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, bởi đây là ngành kinh tế khá đặc thù.

Một số doanh nghiệp dịch vụ đang kinh doanh tại phố Bùi Viện (TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại nếu đưa quy định cấm bán rượu, bia theo giờ vào dự thảo Luật.

Các doanh nghiệp này cho rằng, chỉ riêng tại khu phố Bùi Viện, hiện đang có hàng trăm hộ gia đình kinh doanh ăn uống, lưu trú mở cửa 24/24h phục vụ du khách nước ngoài. Nếu luật đưa quy định cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22h sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu và lợi nhuận của các hộ kinh doanh, khiến hàng ngàn lao động mất việc làm.

Bà Võ Thị Trúc Linh, Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ nhà hàng BaLô Bar (phố Bùi Viện, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, du lịch đang có đóng góp đáng kể cho kinh tế, nên việc đưa thêm các quy định làm khó cho kinh doanh của các doanh nghiệp cần được cân nhắc kỹ.

"Chúng ta chưa chứng minh được tác hại của việc sử dụng rượu, bia sau 22 giờ là thế nào nhưng hoàn toàn có thể thấy ảnh hưởng của nó đến việc thu hút khách du lịch. Quy định cấm bán rượu, bia sau 22h00 được cho là sẽ có ảnh hưởng đến các ngành kinh doanh, dịch vụ khác như ẩm thực, khách sạn, du lịch, … và gián tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của một số địa phương, đặc biệt là những nơi mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”, bà Trúc Linh nói.

Ông Trần Bảo Lộc, chủ quán MISS SAI GON khẳng định, đây là một quy định không phù hợp, nhất là đối với những nơi kinh doanh phố du lịch cho người nước ngoài hay những khu phố hoạt động về đêm.

“Du khách đến du lịch và vui chơi ở các phố đêm sử dụng bia nhiều, nếu quy định này được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ”, ông Lộc nói.

Cân nhắc đưa vào Luật

Việc đề xuất bổ sung quy định cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ tới 08 giờ sáng ngày hôm sau vào Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được coi là chế tài khá mạnh nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng rượu, bia cũng như bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam khẳng định, cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định đối với các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ…đặc biệt là về tính khả thi của quy định

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mục tiêu của quy định được đưa vào Dự thảo là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, hạn chế hành vi lạm dụng đối với rượu bia. Dù vậy, quy định cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến ngành rượu bia mà cả ngành du lịch, phát triển kinh tế của các địa phương. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát thực thi quy định cũng khó khả thi.

Việc cấm này có thể sẽ gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế, bao gồm nhiều doanh nghiệp hợp pháp sử dụng hàng ngàn người lao động đang có việc làm sau 22 giờ hàng ngày. Mặt khác, quy định cấm này cũng có thể sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi khi có nhu cầu, người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán khai thác việc kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua – dẫn đến thất thu thuế và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mục đích của dự luật này rõ ràng không phải là để làm khó cho người kinh doanh, tuy nhiên, nếu quy định cấm bán theo giờ này được đưa vào dự luật thì không chỉ các cơ sở kinh doanh rượu, bia mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác cũng sẽ gặp khó khăn.

Mặt khác, người dân sẽ tìm đến những nơi bán chui để mua được rượu bia, từ đó làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu bia bất hợp pháp, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những thương vụ 'cá lớn nuốt cá bé' để mở rộng thị phần
Năm 2017 chứng kiến nhiều cuộc M&A trong cùng lĩnh vực để đánh chiếm hệ thống phân phối của những "ông lớn".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư