Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bia, rượu, thuốc lá có thể chịu thuế đến 70%
Hà Quang - 27/11/2014 09:12
 
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với lộ trình tăng thuế suất nhiều mặt hàng không khuyến khích sử dụng từ 1/1/2016 đến 1/1/2018.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thuế rượu, bia, thuốc lá: Tăng hay không tăng
Thận trọng khi nâng thuế với rượu, bia, thuốc lá
Việt Nam là "quán quân uống bia" nên phải tăng thuế
“Cơ hội vàng” để Việt Nam tăng thuế thuốc lá
  thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt  
  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển  

Trước khi biểu thuế và lộ trình được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, với mặt hàng thuốc lá, nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh lộ trình và tăng thuế suất đối với thuốc lá mức cao hơn so với phương án Chính phủ trình, cụ thể đề nghị mức tăng từ 85 - 90% hoặc 95%; hoặc tăng lên 85% năm 2015, 105% năm 2018 và 125% năm 2020; có ý kiến đề nghị mỗi năm thuế suất tăng 10% đến khi đạt mức 145%;...

Về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong thời gian vừa qua, nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, đặc biệt là Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải trích nộp một tỷ lệ từ 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời phải in hình cảnh báo trên vỏ bao và ban hành các quy định liên quan đến hạn chế các điểm hút thuốc,...

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn ngày càng gia tăng, sản lượng thuốc lá lậu hiện nay chiếm khoảng 20% thị phần thuốc lá Việt Nam giá bán của nhiều loại thuốc lá nhập lậu thấp hơn nhiều so với thuốc lá cùng loại sản xuất trong nước. Do đó, nếu thực hiện lộ trình quá nhanh và tăng thuế suất cao, trong khi các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá chưa hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Vì vậy, trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ lộ trình và mức tăng thuế suất đối với thuốc lá như Dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, kể cả tiêu thụ nội địa, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Đối với rượu, bia, nhiều ý kiến đề nghị quy định rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 70% (thay vì 65% theo đề xuất của Chính phủ) và rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 40% (thay vì 35% theo đề xuất của Chính phủ). Một số ý kiến đề nghị tăng thuế suất đối với bia lên 70% (thay vì 65% như đề xuất của Chính phủ). Có ý kiến đề nghị cần có lộ trình hợp lý hơn để giảm áp lực và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất, phát triển kinh doanh.

Với mặt hàng có sức tiêu thụ lớn này, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình cụ thể: Theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia như Dự thảo luật sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Từ năm 2010, việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% - 50% là nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất bia địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.

Để đảm bảo thực hiện chính sách nhất quán, ổn định sản xuất trong nước, cần thiết phải có lộ trình và mức tăng thuế suất hợp lý. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ mức tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia như phương án Chính phủ trình; điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 01/01/2016 (thay vì từ ngày 01/7/2015) và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu, cụ thể như sau: Đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018 (thay vì tăng thuế suất từ 50% lên 65% ngay từ ngày 01/7/2015). Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018 (thay vì tăng thuế suất từ 25% lên 35% từ ngày 01/7/2015). Nội dung này đã được thể hiện tại khoản 4 Điều 1 trong Dự thảo luật. 

Một số ý kiến đề nghị cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu dưới 20 độ như mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia vì quy định bia chịu thuế suất cao hơn sẽ khuyến khích sử dụng rượu dưới 20 độ.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, rượu dưới 20 độ chủ yếu là rượu vang, rượu sâm - panh có giá bán cao hơn bia khi có cùng một khối lượng như nhau. Thực tế hàng năm, bia được tiêu thụ gấp nhiều lần rượu (3 tỷ lít bia so với hơn 68 triệu lít rượu các loại). Để bảo đảm mục tiêu hạn chế sử dụng, đề nghị không áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia theo độ cồn như đối với rượu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội chưa đưa các mặt hàng nước ngọt có gas, trò chơi trực tuyến vào diện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với đa số đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào chiều ngày 26/11.

Xem chi biết báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư