Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch xoay trục sang thị trường nội địa
Hồng Hạnh - 19/04/2021 06:28
 
Thị trường nội địa được ngành du lịch Việt Nam xác định sẽ là động lực để bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay.
Du khách tham quan Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) 	ảnh: hồ hạ
Du khách tham quan Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình),   Ảnh: Hồ Hạ

Tìm cách làm ấm  thị trường nội địa

Covid-19 đã tàn phá thế giới trong hơn một năm qua, kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong đó ngành du lịch đã tụt lùi hàng chục năm. Ở Việt Nam, du lịch đang tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức hai con số đã suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.

Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam, thì phát triển thị trường nội địa là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành du lịch. Song do chưa được xem là chủ lực, nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm.

600 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 sẽ là 600 véc-tơ cùng chiều, là bệ phóng cho du lịch nội địa, khi cùng nhau chú trọng và đặt thị trường nội địa đúng vị trí, vai trò như một “trận địa” quan trọng bậc nhất của ngành kinh tế xanh Việt Nam.  

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

“Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 diễn ra tại Ninh Bình trong 2 ngày 15 - 16/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo cho sự phát triển. Nếu dựa trên mức chi tiêu, một vị khách quốc tế chi tiêu lớn hơn mức chi tiêu của một người Việt. “Phải chăng, từ thực tế đó, chúng ta đã chú ý nhiều đến thị trường khách quốc tế, mà lãng quên, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường du lịch nội địa?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Từ cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ chiến lược phát triển du lịch nội địa.

“Như vậy, chúng ta đã có định hướng hoạt động, nhưng ai làm và cách làm như thế nào? Khi Covid-19 bùng phát, chúng ta mới giật mình nhìn lại và nhận thấy, cả sản xuất, kinh doanh đến quản trị, quản lý ngành du lịch chưa thực sự đi bằng hai chân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Đây là thời điểm để nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới để phát triển thị trường nội địa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều thông điệp, khuyến cáo doanh nghiệp chủ động phương án, xoay trục từ thị trường khách quốc tế sang thị trường nội địa. “Chúng ta xác định, du lịch nội địa sẽ là động lực để làm nóng lại thị trường và bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận và quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc hơn về thị trường tiềm năng trong nước”, ông Hùng nói.

“Bắt bệnh” đúng, đưa ra giải pháp khả thi

Quý I/2021, khách du lịch chỉ đạt 16,5 triệu lượt, trong đó 8,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu du lịch chỉ đạt 72.000 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. “Điều này đặt ra cho toàn ngành yêu cầu phải ‘bắt bệnh’ cho đúng, đưa ra giải pháp khả thi, nghĩ khác, làm khác để nhanh chóng làm ấm lại thị trường nội địa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách nội địa, tăng hiệu quả cho hoạt động kích cầu du lịch. Theo ông Lại Minh Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST, các địa phương và đơn vị lữ hành cần tập trung khai thác thế mạnh của du lịch golf, du lịch MICE, caravan (tự lái xe); nâng cấp các dịch vụ để khách có thể tự đặt trực tuyến các dịch vụ, thay vì đặt tour theo cách truyền thống trước đây.

Trong khi đó, bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel đề xuất, các địa phương cần đưa ra sản phẩm phù hợp, xây dựng sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, hấp dẫn, trong đó du lịch nông thôn là điểm mạnh để khai thác.

Một giải pháp quan trọng khác được ông Bình nêu là cần phát huy thế mạnh du lịch ẩm thực đặc trưng của từng địa phương và kết nối những địa phương có ẩm thực đặc sắc để hấp dẫn du khách.

Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, những địa phương có thế mạnh du lịch biển cần tăng cường liên kết để tạo sản phẩm hấp dẫn, phong phú, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho khách.

Nhiều địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, trong đó tập trung cho dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du lịch hè, từ đó tạo đòn bẩy để nhanh chóng phục hồi thị trường. Vấn đề cốt lõi hiện nay là làm thế nào để việc kích cầu du lịch được thực hiện bài bản và lâu dài.

Để phát triển du lịch nội địa có hiệu quả hơn và ngang hàng với du lịch Inbound và Outbound, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước tiên, các doanh nghiệp du lịch cần có khát vọng xây dựng ngành công nghiệp không khói vững mạnh. “Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại doanh nghiệp, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực. Mặt khác, phải nghiên cứu lại thị trường nội địa. Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, nhu cầu của du khách rất lớn, nên phải cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và mục tiêu lâu dài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Giải pháp thứ ba được ông Hùng nêu là liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, sản phẩm; kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách.

Giải pháp thứ tư là sản phẩm du lịch không thể tách rời yếu tố văn hóa, do đó phải tập trung đầu tư, từng bước xây dựng, hình thành văn hóa ở các điểm đến du lịch. “Chỉ khi điều này được hình thành, du khách mới yêu quý điểm đến, vùng đất..., để không chỉ doanh nghiệp là người dẫn dắt hoạt động du lịch, mà mỗi người dân cũng chính là một sứ giả của du lịch Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Khai mạc Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021
Tối 16/4, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 đã chính thức khai mạc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư