Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp đứng ngồi không yên với điều kiện kinh doanh
Khánh An - 22/12/2021 09:00
 
Doanh nghiệp lại lo khi có dấu hiệu “cài số lùi” trong cải thiện điều kiện kinh doanh.
Nhiều điều kiện kinh doanh gây cản trở xuất khẩu gạo đã bị bãi bỏ, nay lại được đề xuất trở lại. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu gạo “ngồi trên lửa”

Những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo mới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đang khiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại.

“Có thể đây là tín hiệu về sự thay đổi của môi trường kinh doanh Việt Nam và ngành công thương theo hướng không tích cực”, VCCI đã viết như vậy trong Công văn góp ý gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vào ngày 20/12/2021.

Theo Dự thảo, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được đề xuất sửa đổi theo hướng quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo. Dự thảo đề xuất có thể cân nhắc việc quy định như Nghị định 109/2010/NĐ-CP để tận dụng nguồn lực xã hội, cơ sở vật chất, tránh phát sinh thêm chi phí cho thương nhân, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Điều này có nghĩa, những điều kiện kinh doanh trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã bị Nghị định 107/2018/NĐ-CP bãi bỏ đang được đề xuất hồi sinh.

Cách đây 3 năm, khi Nghị định 107/2018/NĐ-CP được ban hành, VCCI là một trong những đơn vị đầu tiên thay mặt cộng đồng lên tiếng cảm ơn Bộ Công thương về quyết định đơn giản hóa của hệ thống điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhờ sự đơn giản hóa trên, nhiều doanh nghiệp đã tham gia thị trường xuất khẩu gạo, trước đó vốn dành ưu ái hơn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tính đến cuối tháng 11/2021, có 205 thương nhân được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Quan trọng là, theo báo cáo gửi Cục Xuất nhập khẩu, VCCI cho rằng, các quy định trên cũng phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm của gạo xuất khẩu thông qua yêu cầu về cơ sở vật chất của thương nhân xuất khẩu gạo phải đáp ứng theo pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

“Dự thảo chưa đưa ra thông tin để thuyết phục rằng, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có quy mô tối thiểu 5.000 tấn thóc; công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ thì sẽ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm hơn là các cơ sở có quy mô, công suất bé hơn, trong khi tất cả các cơ sở này đều đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, VCCI làm rõ quan điểm khi đề nghị thận trọng với đề xuất dựng lại điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương.

Công bằng trong môi trường kinh doanh nằm ở đâu

Quan điểm của Bộ Công thương khi đưa ra đề xuất trên khá rõ trong Công văn gửi VCCI và các hiệp hội để lấy ý kiến cho Dự thảo nghị định sửa đổi trên, đó là vì các quy định hiện hành dẫn đến sự không công bằng trong đầu tư tham gia thị trường của các thương nhân. Bộ này cũng cho rằng, tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm đồng bộ năng lực chế biến của cả ngành.

Đặc biệt, trong tờ trình gửi các doanh nghiệp lấy ý kiến góp ý Dự thảo, Bộ Công thương cũng nhắc tới thống kê 39 thương nhân có trụ sở tại 16 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo từ tháng 12/2019 cho tới cuối tháng 11/2021. Đây là các doanh nghiệp thuộc diện phải xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nhưng VCCI không đồng tình với luận điểm này với 2 lý do.

Một là, quy định về quy mô, công suất tối thiểu đối với cơ sở của thương nhân xuất khẩu gạo sẽ không đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn tham gia vào thị trường này.

Hai là, Nhà nước không nên sử dụng công cụ điều kiện kinh doanh để yêu cầu tất cả thương nhân kinh doanh trên thị trường đều phải có quy mô lớn, trong khi chưa chứng minh một cách thuyết phục mục tiêu chính sách này là phù hợp.

Ngay trong Dự thảo sửa đổi liên quan đến xuất khẩu gạo, còn có những quy định nếu được thực thi, sẽ ảnh hưởng đến sự bình đẳng giữa doanh nghiệp. Như đề xuất thời hạn giấy chứng nhận phù hợp với thời hạn của hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo…, dù đây là giao dịch dân sự giữa các doanh nghiệp, có thể thay đổi, điều chỉnh. Chưa kể sẽ có sự khác biệt lớn về thời hạn giấy chứng nhận giữa doanh nghiệp đi thuê và doanh nghiệp sở hữu các tài sản trên.

“Thị trường cạnh tranh sẽ là bộ lọc tốt nhất cho các doanh nghiệp có năng lực. Chúng tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước đặt rõ mục tiêu này khi xây dựng, đề xuất điều kiện kinh doanh”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ quan điểm.

Đây không phải là lần đầu tiên đề nghị tôn trọng thị trường cạnh tranh, tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp được các doanh nghiệp đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ trong hơn 1 tháng qua, VCCI đã có hàng loạt khuyến nghị liên quan đến cải thiện thủ tục đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan… thông qua các cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Nhiều đề nghị xem xét lại quy định trong các dự thảo liên quan đến điều kiện kinh doanh, xử phạt hành chính với doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, đào tạo nghề, thương mại điện tử…

Nhưng, việc dựng lại rào cản ngay khi cả nền kinh tế, từng doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức sống còn do dịch bệnh, đang tìm cách phục hồi, thực sự khiến không riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên.

Ông Hoàng Quang Phòng buộc phải nhắc lại những điều kiện không khả thi trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong năm 2020, đầu năm 2021 mà VCCI và nhiều hiệp hội đã phải lên tiếng, kiến nghị mất nhiều thời gian mới được sửa đổi.

“Trong ngắn hạn, các quy định bất cập làm khó doanh nghiệp, nhưng tổng thể, chúng gây khó khăn việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Hơn thế, tư duy ưu tiên quản lý nhà nước bằng công cụ điều kiện kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn”, ông Phòng nói, nhắc tới hàng loạt công việc đang làm liên quan đến rà soát hệ thống văn bản về kinh doanh, tổng hợp ý kiến doanh nghiệp về thực thi các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.

Vào cuối tháng 12 này, VCCI sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tiếp tục được chọn làm ưu tiên số 1, cùng với nhiệm vụ chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.

“Doanh nghiệp có vững mạnh thì đất nước thịnh vượng. Để doanh nghiệp vững mạnh, rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Chúng tôi mong muốn gửi tới các bộ, ngành thông điệp này”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Ấn định cắt giảm ít nhất 20% chi phí, điều kiện kinh doanh
Từ năm 2016 tới nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư