Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp game sẽ chết trên “sân nhà”?
Hữu Tuấn - 09/07/2023 09:54
 
Các doanh nghiệp game Việt cho rằng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính “sân nhà”, ngành công nghiệp game sẽ rơi vào tay doanh nghiệp xuyên biên giới.
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp game đang tháo chạy, bán mình?

Bên lề Hội thảo góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giữa tuần này, một số doanh nghiệp game tiết lộ, từ khi Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được lấy ý kiến vào đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp game Việt Nam đã tháo chạy khỏi Việt Nam, hoặc thu hẹp sản xuất. Một phần của động thái này là lo ngại bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điển hình như VNG, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh game có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay, năm 2022, doanh thu giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp ngân sách nhà nước khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021. Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11%, còn 1.132 người và năm 2023 dự kiến giảm còn khoảng 980 người (giảm 13%).

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đăng ký còn hoạt động, 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng, đến thuế suất.

“Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hóa, tài chính… trở nên rất khó khăn. Nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu, thậm chí sụp đổ, thì đó là điều rất đáng tiếc”, ông Thắng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh Các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các doanh nghiệp game nước ngoài và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

Dẫn kinh nghiệm quản lý và hạn chế tiêu cực game online hiệu quả từ Trung Quốc, Hàn Quốc qua mã định danh điện tử, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom cho rằng, có nhiều phương án điều chỉnh hành vi người tiêu dùng để vận dụng ở Việt Nam mà không cần công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước và vô hình trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuyên biên giới hoạt động trái phép, gây thất thu thuế và đặc biệt là nội dung không được kiểm soát.

“Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp như VTC sẽ ‘chết’ trên sân nhà”, ông Huy khẳng định.

Không đạt được mục tiêu

Các doanh nghiệp game cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online nhằm hạn chế tiêu dùng, như Bộ Tài chính nêu ra, là không khả thi.

“Theo báo cáo của Apple Store và Google Play, chỉ có 2,4% người chơi trả phí trong tổng số người chơi game tại thị trường Việt Nam đối với hệ điều hành IOS và chỉ 1,7% người chơi trả phí đối với hệ điều hành Android. Nghĩa là, chưa đến 2% số người chơi game tại thị trường Việt Nam có trả phí game. Như vậy, đối tượng tác động chỉ chiếm dưới 2% tổng số người chơi mà cơ quan soạn thảo muốn kiểm soát. Ngoài ra, trong tổng số 100.000 game phát hành tại Việt Nam hiện nay, hàng năm, cơ quan chức năng chỉ cấp phép dưới 500 game. Như vậy, tác động đến hành vi tiêu dùng của người dùng là rất nhỏ”, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc Soha Game khẳng định.

Ông Đỗ Việt Hùng, Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cũng phân tích, mục tiêu của Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là điều chỉnh định hướng hành vi tiêu dùng, nhưng mục tiêu này sẽ không đạt được.

“Khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game online, ngay lập tức, hành vi của người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thay thế, khiến mục đích về định hướng tiêu dùng, tác động hành vi không có điều kiện thực hiện. Một trong những thay đổi là người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm, dịch vụ thay thế của các nhà cung cấp toàn cầu, xuyên biên giới, làm giảm doanh thu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp game trong nước”, ông Hùng phân tích.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) khuyến nghị, tất cả doanh nghiệp đều đang khó khăn, nên việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này là không phù hợp, vô hình trung có thể làm tổn thương doanh nghiệp. Do đó, cần cân nhắc lùi thời hạn thuế, xây dựng lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế.

Theo ước tính của Newzoo, tổng doanh thu ngành game toàn cầu năm 2022 đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 194 tỷ USD. Top 5 thị trường có doanh thu ngành game cao nhất thế giới là Trung Quốc (45 tỷ USD), Mỹ (45 tỷ USD), Nhật Bản (20 tỷ USD), Hàn Quốc (8 tỷ USD), Đức (6,7 tỷ USD).

Báo cáo của Newzoo dự báo, doanh thu ngành game Việt Nam năm 2022 đạt 800 triệu USD, trong khi tại Indonesia là 1,8 tỷ USD, Thái Lan 1 tỷ USD, Malaysia 900 triệu USD, Philippines 850 triệu USD.
Kéo doanh nghiệp game Việt “hồi hương”
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game, trong đó có kế hoạch đưa studio game đóng ở nước ngoài quay về Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư