Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình: Có nên trao quyền vào tay người ngoài?
Thanh Huyền - 26/05/2018 08:33
 
Với biết bao công sức đã phải bỏ ra, việc để cho người ngoài nắm giữ những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp gia đình là điều khó chấp nhận với những người sáng lập. Làm thế nào để họ “gật đầu” với đề xuất này là bài toán khó với những nhà lãnh đạo thừa kế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhận định rằng, lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm và tin cậy, nhưng chính điều này cũng đi kèm với thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ gia đình với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, tuyển dụng những nhân sự chuyên nghiệp từ bên ngoài để đem lại sự hiện đại và chuyên nghiệp hóa cho doanh nghiệp là giải pháp mà 69% doanh nhân là thế hệ thừa kế lựa chọn, theo số liệu nghiên cứu gần đây của PwC - một trong 4 tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới.

doanh nhân Đỗ Hữu Thanh ngồi ở vị trí CEO tuần này.
Doanh nhân Đỗ Hữu Thanh ngồi ở vị trí CEO tuần này.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải cứ muốn là có thể áp dụng ngay, nhất là đối với những doanh nghiệp mà các thành viên trong gia đình vẫn nắm quyền chi phối. Câu chuyện tại một doanh nghiệp gia đình sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng khá thành công sau đây là một ví dụ.

Sau một thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, con trai của Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty về nước và được chuyển giao vị trí CEO. Các thành viên gia đình đều tin tưởng, CEO thế hệ mới sẽ đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng, mở rộng quy mô và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sau nhiều đề xuất đầy thuyết phục về cải tổ quy trình sản xuất, marketing, hành chính…, CEO tiếp tục đề nghị cải tổ hệ thống nhân sự, thông qua việc lên kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho toàn thể nhân viên, đặc biệt là các vị trí quản lý và điều hành.

Ngoài ra, theo phương án quy hoạch cán bộ do CEO đề xuất, với những nhân sự có năng lực có thể đảm nhận các vị trí chủ chốt, thì dù là người trong gia đình hay người ngoài, Công ty cũng sẽ đầu tư cho họ tham gia các khóa đào tạo đặc biệt ở nước ngoài, đồng thời cho họ tham gia vào những vấn đề chuyên sâu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo phân tích của CEO, ngoài lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được từ việc tăng cường năng lực chuyên môn, thì việc thực hiện phương án trên còn tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn. Chính văn hóa đào tạo này sẽ là động lực để giữ chân những nhân sự giỏi và thu hút thêm nhân tài cho công ty.

Song kế hoạch của CEO đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của HĐQT. Các thành viên HĐQT cho rằng, chỉ nên đầu tư vào các vị trí quản lý do con cháu trong nhà nắm giữ, để đảm bảo tính lâu dài, hiệu quả.

“Người ngoài sau khi được đào tạo, sẽ bỏ công ty để sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, thậm chí mở doanh nghiệp để cạnh tranh trực tiếp. Như vậy là vô cùng rủi ro”, các thành viên HĐQT quả quyết.

CEO vẫn cố gắng thuyết phục HĐQT khi cho rằng, nhiều nhân sự từ bên ngoài có năng lực và nhiều tiềm năng hơn những thành viên trong gia đình. Muốn “giữ chân” những nhân sự giỏi để họ gắn bó với Công ty, phải có chính sách đào tạo và có thể cho họ nắm giữ cổ phần. Khi đó, họ sẽ có trách nhiệm và gắn bó hơn với doanh nghiệp thông qua hợp đồng ràng buộc.

Thế nhưng, những kiến nghị cùng lập luận của CEO dường như chưa đủ thuyết phục, các thành viên HĐQT vẫn khăng khăng giữ quan điểm, cái gì tốt nhất, hay nhất thì phải dành cho con cháu trong nhà, chứ không nên dàn trải cho cả người ngoài.

CEO sẽ thuyết phục thế nào để các thành viên HĐQT chấp thuận kế hoạch? Để giải quyết bài toán này, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này với chủ đề “Chiến lược nhân sự” đã mời ông Đỗ Hữu Thanh, Tổng giám đốc Công ty May Sư Tử Vàng làm người chơi ở vị trí CEO. Doanh nhân Đỗ Hữu Thanh cũng là nhân vật xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (27/5) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (28/5) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube. 

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Cơ hội nào cho doanh nghiệp gia đình trong thị trường M&A
Thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng, nhưng lựa chọn thâu tóm hay chỉ đầu tư tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư