Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp giảm vay, tăng trả nợ, tín dụng tháng 4 quay đầu tăng trưởng âm
Thùy Liên - 18/04/2020 11:57
 
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến giữa tháng 4/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,8% trong khi hết quý I/2020 đã tăng trưởng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng đã tăng trưởng âm 0,5%.
t
Sản xuất kinh doanh đình trệ bởi dịch bệnh khiến doanh nghiệp giảm nhu cầu vay vốn

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%. Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến ngày 10/4, Thống đốc cho hay, tín dụng 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%. Con số này sụt giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).

Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho hay, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. “Bốn ngân hàng TMCP quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được”, ông Hùng cho biết thêm.

Theo thông tin từ NHNN, hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Đối với cho vay mới, nhu cầu vay tập trung vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tăng 1%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,3% trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại – dịch vụ - du lịch, tiêu dùng… đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%.

Đối với gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, NHNN cho hay, hiện nay, các ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gần 30.000 tỷ đồng,  miễn giảm lãi với dư nợ 160.000 tỷ đồng (số tiền miễn giảm lãi thực chất khoảng 360 tỷ đồng), cho vay mới 180.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hiện nay, lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sút giảm.

“Vấn đề hiện nay không phải là lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được”, ông Lực nhận định. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư