Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam: Lộ trình dài hạn để phát triển bền vững
T.C - 16/07/2019 09:40
 
Đầu tư vào thị trường Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Chính phủ hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ kinh tế, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã và đang phát triển bền vững cùng Việt Nam.
Ra mắt Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ra mắt Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dòng vốn đầu tư Hoa Kỳ đang đổ về Việt Nam

Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư” do Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và chân thành cảm ơn

sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp 2 nước đối với sự phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ suốt chặng đường 25 năm qua.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chính sách xuyên suốt của Việt Nam là coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Trong đó, trụ cột hết sức quan trọng là kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục trở thành nền tảng động lực trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước”.

Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ; cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. “Chúng tôi coi thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi và luôn coi những nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung tại Việt Nam như là những công dân Việt Nam và có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành công tại Việt Nam”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bà Natasha Ansell, Chủ tịch AmCham cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cho lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.

“Quan trọng nhất, các công ty của chúng tôi hiểu mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội để tiến hành kinh doanh theo cách tạo ra cả giá trị kinh tế và xã hội lâu dài”, bà Natasha Ansell nói.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang bắt tay để triển khai các dự án tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, trong đó, ghi nhận vai trò dẫn dắt của những tập đoàn hàng đầu mà phần lớn họ đều có mặt tại sự kiện kỷ niệm 25 năm quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước.

Sau 25 năm thiết lập quan hệ đầu tư, hàng hóa, dịch vụ của Hoa Kỳ đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực đời sống của Việt Nam. “Người Việt Nam bây giờ uống Coca - Cola, tra Google, lên Facebook, mua sắm qua Amazon, bay máy bay Boeing”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới, hướng tới cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng tốt hơn và bền vững hơn, trong đó, Hoa Kỳ đang trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong hành trình thực hiện mục tiêu này.

Cam kết phát triển bền vững

Không chỉ tham gia đầu tư sản xuất, các nhà đầu tư Hoa Kỳ còn tiên phong đóng góp những hành động thiết thực trong các hoạt động hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam.

Mới đây, 2 nhà đầu tư Hoa Kỳ là Coca-Cola và Suntory PepsiCo Việt Nam đã cùng 7 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng của nước ngoài và Việt Nam, gồm Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Tetra Pak, TH Group và Universal Robina Corporation tiên phong hình thành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

Liên minh có cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn. Đây là một trụ cột quan trọng trong nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng và Recycle - Tái chế). 

Mục tiêu của PRO Vietnam rất cụ thể, đó là: “Vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế”, như phát biểu của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Giám đốc PRO Việt Nam phát biểu tại lễ ra mắt liên minh này.

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tích cực sáng lập tổ chức này, bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc đối ngoại và pháp lý Coca-Cola Đông Dương cho biết, với Coca-Cola, Việt Nam không chỉ là một thị trường giàu tiềm năng, mà còn là “người bạn đồng hành” quan trọng và đáng tin cậy đối với việc phát triển chung của Công ty tại khu vực và trên toàn cầu.

“Vì lý do đó, mọi quyết định kinh doanh của chúng tôi đều gắn kết với lợi ích, yêu cầu chung của thị trường và yếu tố con người. Quan điểm hoạt động của Coca-Cola tại Việt Nam đặc biệt quan tâm vấn đề phát triển bền vững dựa trên giá trị cốt lõi: Thương hiệu toàn cầu - am hiểu địa phương”, bà Cẩm Ly nói.

Cụ thể, về sản phẩm, trong tiến trình trở thành công ty nước giải khát toàn diện, Coca-Cola không ngừng nghiên cứu, cải tiến công thức để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu và phong cách sống đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam. Coca-Cola đang đầu tư nghiên cứu, phát triển và cung cấp các loại nước giải khát chất lượng trên phạm vi toàn cầu - từ các sản phẩm ít đường, sản phẩm giải khát đến các sản phẩm sữa nước như bộ 3 sản phẩm Nutriboost sữa nước mới đây, chứa 90 - 95% nguồn sữa thuần khiết đến từ New Zealand do Tập đoàn Fonterra cung cấp.

Về phương diện sản xuất, kinh doanh, Coca-Cola đã và đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho chuỗi giá trị trong nước để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng cho điều này, 80% các nhà cung cấp của Coca-Cola đều là doanh nghiệp Việt Nam, tương ứng chiếm đến 70% giá vốn hàng bán đến từ nguồn cung ứng địa phương. Sản phẩm cà phê uống liền Georgia Coffee Max và Coca-Cola thêm cà phê nguyên chất cũng là ví dụ điển hình cho điều này, vì được sản xuất từ nguồn cà phê Robusta của vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Song song đó, Coca-Cola đang triển khai mô hình nhà máy thông minh và tiếp tục tiên phong tích hợp công nghệ thông tin vào sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, tự động hóa quy trình sản xuất, phát triển nguồn nhân lực địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và trách nhiệm với môi trường.

Cuối cùng, nói đến chiến lược phát triển của Coca-Cola, thì không thể không nhắc đến nghĩa vụ đối với cộng đồng. Những chương trình như mang đến nguồn nước sạch cho cộng đồng, nâng cao năng lực phụ nữ địa phương, thu gom và tái chế rác thải… vẫn được Coca-Cola cùng với các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện nhằm mang lại những thay đổi tích cực cho người dân cả nước.

Tính đến cuối năm 2018, chương trình trọng điểm trung tâm hoạt động cộng đồng ‘EKOCENTER’ sẽ được nhân rộng khắp Việt Nam với 11 trung tâm, tích hợp các nội dung ưu tiên trong chiến lược phát triển của Coca-Cola, bao gồm: nguồn nước, phụ nữ, lợi ích cho cộng đồng và quản lý chất thải nhựa…

Là một trong những doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào thị trường Việt Nam, đến nay, Coca-Cola đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Việt Nam, trở thành nhà đầu tư Hoa Kỳ hàng đầu trong lĩnh vực nước giải khát, tạo công ăn việc làm cho 4.000 lao động trực tiếp và từ đó tạo ra 6 - 10 lần việc làm gián tiếp trong chuỗi dịch vụ cung ứng. Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn tận dụng tối đa mọi nguồn nguyên liệu và nhân lực sẵn có tại Việt Nam.

Những nỗ lực, đóng góp của Coca-Cola nói riêng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ có trách nhiệm nói chung trong những năm qua đều được ghi nhận trong bảng xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững. Điều này cho thấy cam kết lâu dài, nhất quán của doanh nghiệp trong việc mang lại những giá trị thiết thực, ý nghĩa cho đất nước thông qua hoạt động kinh doanh hiệu quả, cũng như những dự án hướng đến cộng đồng được triển khai trong suốt những năm qua.

Theo số liệu từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với trao đổi thương mại tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994, từ 450 triệu USD (năm 1994) lên gần 60 tỷ USD (năm 2018). Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang

Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 40% trong năm 2018. Hoa Kỳ có khoảng 900 dự án tại Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD, trong đó có nhiều “tên tuổi” lớn như Coca-Cola; Intel; FedEx…

Tính đến ngày 31/3/2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam. Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đàm phán để có thể đi tới quyết định đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư