Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng
Hoài Sương - 02/08/2023 09:46
 
Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp khu vực TP.HCM, đơn hàng xuất khẩu khá khiêm tốn, hoạt động sản xuất tại nhà máy mang tính cầm chừng dù đã bước sang quý III hơn 1 tháng.
Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, chủ yếu giữ chân lao động
Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, chủ yếu giữ chân lao động

Nhu cầu nhiều thị trường suy giảm

Hầu hết thị trường xuất khẩu lớn đều giảm đặt hàng từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Theo dữ liệu của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang châu Mỹ chỉ đạt 52,58 tỷ USD, bằng 79,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn đặt hàng suy giảm tương đương 13,5 tỷ USD.

Trong đó, xuất sang Mỹ chỉ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ; sang Canada đạt 2,8 tỷ USD, giảm 13,7%.

Dù đã linh hoạt trong sản xuất, “nhặt nhạnh” cả đơn hàng nhỏ lẻ, song các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi khách hàng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Đến thời điểm này, dù đã hết tháng đầu tiên của quý III, nhưng ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, số lượng đơn hàng đặt mới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, chưa đạt kỳ vọng như dự báo trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu, doanh nghiệp chuyên bán buôn thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, giày dép… chia sẻ, từ đầu năm đến nay, các thị trường chính của doanh nghiệp như Australia, Mỹ đều sụt giảm hơn 30% đơn đặt hàng. Thị trường châu Âu phát triển rất tốt trong năm 2022, nhưng năm nay lại kém đi rất nhiều.

Với thị trường Nga gần như mất hẳn. Nguyên nhân do đồng Rúp bị mất giá rất nhiều so với USD. Ngoài ra, việc thanh toán qua các ngân hàng bị chặn lại vì lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu đối với Nga.

Với doanh nghiệp ngành gạo, lại khó khăn theo hướng khác. Hiện nguồn cung gạo tại Việt Nam đang gặp hạn chế, đặc biệt là vụ lúa hè thu năm 2023 có sản lượng thấp, chất lượng gạo chỉ đạt được 80% so với vụ đông xuân năm 2022.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice Group lo lắng, sản lượng vụ hè thu sụt giảm so với vụ đông xuân 15-20%, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đặt hàng của các đối tác.

Tìm cách khơi thông thị trường

Đối diện với nhiều khó khăn, để tồn tại, hầu hết doanh nghiệp đều nỗ lực, tích cực tìm thị trường mới. Bên cạnh những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, các doanh nghiệp đã năng động tìm thị trường khác như Trung Đông, châu Phi.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo nhận định, trong thời điểm khó khăn chung về đơn hàng, doanh nghiệp liên tục xúc tiến sản phẩm tại Nhật Bản, Trung Quốc, Dubai. Đặc biệt là Ấn Độ và thị trường Trung Đông như Ả rập Xê-út, hiện nhu cầu về lâm sản, nông sản khá cao. Dân theo đạo Hồi sử dụng thực phẩm Halal đa dạng với nhiều sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, sản phẩm từ sữa, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm…

“Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD, nhưng năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, đây là cơ hội cho Gia Bảo nói riêng và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam nói chung”, ông Sơn tin tưởng.

Với ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, doanh nghiệp ông đang tìm kiếm và thực hiện giải pháp mới. Trong đó, Xuân Nguyên chú trọng nâng độ phủ của sản phẩm, tung nhiều khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Hiện doanh nghiệp tập trung cho ra thị trường nhiều sản phẩm mới trong quý III như: viên tinh nghệ sữa ong chúa, bột trà xanh, yến mật ong nhân sâm… ngoài việc đón đầu thị trường thì việc này sẽ giúp doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nửa cuối năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn tập trung phát triển thị trường trong nước, cố gắng cầm cự sản xuất, chủ yếu tạo công ăn việc làm để giữ chân lao động, chờ cơ hội thị trường nước ngoài hồi phục. Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài thì doanh nghiệp không chắc trụ được bao lâu.

Bởi vậy, ông Phan Văn Có kiến nghị, cần có giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện tình trạng kẹt xe, kẹt phà, đặc biệt là kẹt cảng thường xuyên diễn ra, dẫn đến doanh nghiệp phải lưu bãi và chịu chi phí cao. Hạ tầng về logistics còn khá yếu kém như kho cảng bị ngập, dẫn đến sản phẩm xuất khẩu bị ngấm nước, khiến doanh nghiệp phải bồi thường cho đối tác.

Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu cũng cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước chậm phát huy tác dụng, thủ tục vay vốn còn phức tạp, do vậy, các bộ, ban, ngành cần có giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dệt may thiếu đơn hàng, giá gia công giảm sâu
Nhu cầu hàng dệt may toàn cầu thấp, giảm 15% so với năm 2022. Không chỉ thiếu đơn hàng trầm trọng, mà giá gia công còn giảm thê thảm. Kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư