Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp không “mặn mà” làm chợ đầu mối tại Hà Nội
Thanh Hương - 27/06/2018 21:36
 
Có kế hoạch phát triển thêm 5 - 6 chợ đầu mối trên địa bàn nhưng việc tìm kiếm các nhà đầu tư vẫn không dễ dàng với TP. Hà Nội.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho hay, theo quy hoạch phát triển chợ đầu mối ở Thủ đô đã được UBND thành phố phê duyệt, Hà Nội sẽ có thêm 5 chợ đầu mối được xây dựng tại các huyện Phù Đổng, Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên và Ba Vì. Nếu tính cả Quy hoạch của Bộ Công thương phê duyệt thì sẽ có thêm chợ đầu mối tại Đan Phượng.

Nhưng “quy hoạch thì có mà kêu gọi lại rất khó khăn, doanh nghiệp không quan tâm”, đại diện Sở Công thương Hà Nội nói và cho hay, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 17/6 của Hà Nội mới đây cũng đã đưa ra danh mục 5 chợ đầu mối vào kêu gọi nhưng hầu như chả doanh nghiệp nào quan tâm.

Mặc dù hiện có Công ty cổ phần Pan Asia One (Hàn Quốc) đề xuất xây dựng chợ đầu mối tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm hay một tập đoàn đề xuất đầu tư chợ đầu mối tại xã Yên Viên và cũng đang hợp tác với Tập đoàn Semmaris (Pháp) nghiên cứu về mô hình chợ đầu mối nhưng vẫn chỉ mới là các nghiên cứu.

Hà Nội hiện có 22 chợ thương mại, 133 siêu thị, 454 chợ gồm cả đầu mối và chợ dân sinh cùng khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, tiện ích kinh doanh, chưa kể bán hàng qua mạng.

Hiện 2 chợ đầu mối chính gồm Hoàng Mai ở phía Nam (có diện tích hơn 23.000 m2 với 168 hộ kinh doanh, hàng ngày có 200 - 400 tấn hàng hóa là nông sản luân chuyển qua chợ) và Minh Khai ở Bắc Từ Liêm (diện tích hơn 36.000 m2, có 1.000 hộ kinh doanh và 350 tấn hàng hóa nông sản luân chuyển hàng ngày).

Ngoài ra còn có 5 chợ tập trung mang hơi hướng đầu mối là chợ Long Biên (có diện tích hơn 27.000 m2 với 650 hộ kinh doanh, 150 - 200 tấn hàng hóa qua chợ /ngày), chợ cá Yên Sở (có diện tích trên 7.000 m2, gồm 70 hộ kinh doanh khoảng 150 tấn cá, lương thực/ngày), chợ gia cầm Hà Mỹ (diện tích hơn 7.000 m2, khoảng 200 hộ kinh doanh với 50 tấn gia cầm thủy cầm qua chợ/ngày) và chợ Quảng An (diện tích trên 600 m2 với 300 hộ kinh doanh hoa).

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, nhìn chung hoạt động của các chợ này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố; nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, chưa có chức năng chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Quy mô phân phối còn nhỏ, nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, một số hàng hóa tại các chợ đầu mối này chưa truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết.

Trong khi đó, Hà Nội có khoảng 10 triệu người đang sinh sống, học tập làm việc trên địa bàn và khoảng 21 triệu lượt khách đến thăm quan hàng năm, nên nhu cầu các thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh rất lớn.

“Mỗi tháng Hà Nội cần khoảng 80.000 tấn gạo; trên 20.000 tấn thịt lợn hơi, trên 5.000 tấn thịt gà, thịt bò cũng trên 5.000 tấn, hải sản khoảng 5.000 tấn và thực phẩm chế biến trên 5.000 tấn và rau củ khoảng 85.000 tấn, hơn 90 triệu quả trứng gà vịt. Tuy nhiên, khả năng cung ứng một số mặt hàng của thành phố là chưa đủ. Ngoài thịt gà, thịt lợn cơ bản đáp ứng được dù có những thời điểm phải đưa từ các nơi khác về, còn lại gạo mới đáp ứng được 35% nhu cầu; thịt bò mới đáp ứng được 17%; thủy hải sản mới đáp ứng được 5% nhu cầu; thực phẩm chế biến là 25% nhu cầu; rau củ quả đáp ứng được 60% nhu cầu và trứng gà, vịt mới đáp ứng được 17% nhu cầu”, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho hay.

Hà Nội muốn chi 4.500 tỷ đồng xây chợ đầu mối mới
Mới đây, Thành phố Hà Nội đã đề xuất xây dựng thêm một chợ đầu mối lớn với số vốn đầu tư dự kiến lên tới 220 triệu USD, tương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư