Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Doanh nghiệp lo khó tiếp tục; Thủ tướng yêu cầu hoàn thuế VAT ngay; Bộ trưởng Xây dựng hỏa tốc gỡ PCCC
Khánh Linh - 28/05/2023 10:40
 
Thủ tướng yêu cầu hoàn thuế VAT ngay cho doanh nghiệp; Bộ trưởng Xây dựng hỏa tốc gỡ thủ tục PCCC; đại biểu Quốc hội sốt ruột đề xuất hàng loạt chính sách mạnh hỗ trợ doanh nghiệp; HBC, Masan... có tin mới.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thuế VAT nhanh cho doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, người dân.

Hiệp hội Sắn Việt Nam là một trong số các hiệp hội doanh nghiệp từng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lên Thủ tướng Chính phủ bởi hàng loạt doanh nghiệp của ngành này đứng trước nguy cơ phá sản do bị chậm hoàn thuế VAT.

Trước đó, hiệp hội, doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành như gỗ, giấy, cao su cho biết, việc bị "giam" cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ. Thậm chí trong tình trạng thiếu vốn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Do vậy, từ cuối năm ngoái đến nay, các hiệp hội liên tục kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế VAT.

Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí cũng như đề xuất các chính sách khác nếu thấy còn dư địa. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước được giao tiếp tục tìm cách hạ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn. Cơ quan này cũng phải rà soát lại các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng nhằm hướng đến các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi hơn.

Còn các bộ, cơ quan chức năng khác tiếp tục cắt bỏ các thủ tục hành chính làm tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh không dám thực hiện nhiệm vụ phải được xử lý nghiêm.

Bộ Xây dựng hoả tốc yêu cầu sửa quy chuẩn phòng cháy chữa cháy

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có quyết định hoả tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

 Thời gian thực hiện thủ tục về PCCC hiện nay đang bị kêu là kéo dài, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Theo quyết định, Bộ trưởng giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) của Bộ Công an và các đơn vị có liên quan tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. 

Đồng thời, rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân. 

Từ đó, đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong QCVN 06:2022. Đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình. 

Cùng với đó, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022 đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. 

Trên 80% doanh nghiệp muốn giảm quy mô, tạm ngừng hoặc ngừng kinh doanh

Ban IV vừa gửi kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với nhận định “doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn”.

“Có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%", báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban ký gửi.

Doanh nghiệp ngành xây dựng thuộc nhóm doanh nghiệp đánh giá bi quan nhất về niềm tin kinh doanh.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.

Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.

Doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Trong đó 4 khó khăn lớn nhất là đơn hàng, vốn, thủ tục hành chính cùng nguy cơ hình sự hóa trong kinh tế.

Thảo luận tình hình kinh tế, đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp mạnh

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng, nếu có giải pháp thích hợp, đồng bộ thì quý II, III, IV chúng ta có thể bứt phá. Theo đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất 7 nhóm giải pháp.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau.

Thứ nhất, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm VAT.

Thứ hai, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.

Thứ ba, giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp startup cần nuôi dưỡng.

Thứ tư, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Thứ năm, cải cách thể chế, phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là đột phá. Có 3 đột phá mà cải cách thể chế phải hướng tới là phải đột phá vào thể chế tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế trong đó chế độ sở hữu là quan trọng, thể chế văn hóa.

Thứ sáu, chỉnh đốn nội vụ cán bộ, nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội đề xuất giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng, để kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường – nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ dự liệu, khả năng trở lại tốc độ tăng trưởng như bình thường có thể phải cuối năm 2024, nên có thể cân nhắc tăng mức giảm thuế suất VAT, lên 3% thay vì 2% hoặc kéo dài thời gian lên 1 năm, tới giữa năm 2024, thay vì 6 tháng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị thúc giục giải ngân đầu tư công khi “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

Vĩnh Thành Đạt xuất khẩu trứng lỏng sang Hàn Quốc

Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt xuất khẩu lô trứng lỏng sang Hàn Quốc, mở ra cơ hội mới trong bối cảnh tiêu thụ trong nước giảm mạnh.

Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt xuất khẩu lô  hàng trứng lỏng đầu tiên sang Hàn Quốc.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đã xuất khẩu thành công một container trứng lỏng - loại trứng gà đã được tách vỏ thanh trùng sang Hàn Quốc. Loại này thường được dùng cho các nhà hàng, quán ăn ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là lô hàng đầu tiên tạo tiền đề cho mặt hàng trứng của Việt Nam xuất ra thế giới.

Trước mắt, sản phẩm mới nên nhà nhập khẩu yêu cầu phải đóng mẫu mã theo thương hiệu của họ. Sắp tới, đối tác nhập khẩu có thể tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng lớn.

Lô trứng đầu tiên được Vĩnh Thành Đạt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Linh Đan

Thị trường trứng gia cầm nội địa hiện nay cạnh tranh khốc liệt với sự góp mặt của các ông lớn như C.P (Thái Lan), QL (Malaysia), CJ (Hàn Quốc) và các doanh nghiệp Việt Nam như Hòa Phát, Dabaco, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt. Hiện, sức mua trên thị trường nội địa khá yếu nên giá trứng gia cầm đang giảm mạnh.

Masan ra mắt mô hình bán lẻ cho dân cư thành thị

WinMart Novia Phạm Văn Đồng khai trương ngày 26/5 là siêu thị đầu tiên của khu vực phía Nam theo mô hình WinMart Urban. Điểm mua sắm này nhằm phục vụ cư dân tòa nhà (hơn 500 căn hộ) và khu vực lân cận trong bán kính 5 km. Với diện tích kinh doanh lên tới 824 m2, siêu thị sở hữu không gian thoáng đãng với các quầy kệ được bài trí khoa học cùng nhận diện nổi bật. Tại đây, khách hàng sẽ được tiếp cận với hàng nghìn mặt hàng tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn sạch, tươi mỗi ngày.

Mô hình siêu thị WinMart Urban là bước đi mới của WinCommerce

Theo WinCommerce, WinMart Urban thiết kế dành riêng cho khu vực thành thị, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của đa dạng tầng lớp dân cư. Mô hình này chủ yếu được triển khai tại các khu vực thành thị tấp nập, hướng đến mục tiêu phục vụ đa dạng nhóm khách hàng.

Với diện tích khu vực bán hàng và dịch vụ khoảng 1.000-2.000 m2, siêu thị này có danh mục hàng hóa đa dạng. Doanh nghiệp đánh giá mô hình này có lợi thế lớn trong việc chinh phục thị trường tiêu dùng trong nước và sẽ sớm được nhân rộng tại các quận lõi của các thành phố đô thị.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, với đặc thù của thị trường bán lẻ hiện nay, sự ra đời của mô hình siêu thị WinMart Urban là bước đi mới trong kế hoạch mở rộng chuỗi điểm bán, đa dạng mô hình bán lẻ trong tương lai của WinCommerce.

Tùy vào từng địa điểm, công ty sẽ triển khai một trong ba mô hình: WinMart Premium (trung bình 500 - 800 m2, ra mắt tại khu đô thị cao cấp tháng 4 vừa qua), WinMart Urban (1.000 - 2.000 m2) và WinMart+ Rural (100 - 120 m2, đã mở tại khu vực nông thôn năm ngoái).

HBC làm tổng thầu thi công dự án nhà ở xã hội của Thái Holding

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Thái Holding đã ký kết hợp đồng tổng thầu thi công dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên. Tổng giá trị hợp đồng này là hơn 3.000 tỷ đồng.

Hòa Bình và Thái Holding đã ký kết hợp đồng tổng thầu thi công dự án khu nhà ở xã hội tại Hải Phòng.

Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên tọa lạc tại số 142 Phường Máy Chai và Phường Cầu Tre (Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng) là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê do Thái Holdibg klafm chủ đầu tư.

Dự án mong muốn sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển diện tích nhà ở tại quận Ngô Quyền, đáp ứng nhu cầu ở cho người dân, đặc biệt là người dân tại các chung cư cũ trên địa bàn quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng và đảm bảo về môi trường cảnh quan khu vực dân cư đô thị hiện hữu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất đô thị và cung cấp các dịch vụ tập trung phục vụ cho đời sống nhân dân - góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại gói thầu hơn 3.000 tỷ đồng này, Hòa Bình đảm nhận vai trò là Tổng thầu thi công toàn bộ dự án, với quy mô 10 tòa nhà cao tầng – mỗi tòa cao 15 tầng, 163 tòa nhà thấp tầng – mỗi tòa cao 7 tầng cùng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan sân vườn. Tổng diện tích dự án khoảng 16.91 ha. Dự kiến, công trình sẽ được đưa vào vận hành khai thác sau 24 tháng kể từ ngày khởi công.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn hiện nay, việc thi công dự án quy mô lớn này là một nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu Hòa Bình. Trước đó, các dự án Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm, Santorini Bãi Trào Hòn Thơm cũng đã được các chủ đầu tư và Hòa Bình tái khởi động thi công cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường chung.

82,3% doanh nghiệp khó tiếp tục hoặc phải giảm kinh doanh trong các tháng cuối năm
Thông tin đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư