Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp mía đường hạ mục tiêu niên vụ 2019 – 2020
Thu Phương - 03/10/2019 12:10
 
Trước những thách thức rất lớn từ gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước đã phải hạ mục tiêu kinh doanh niên vụ 2019 - 2020.
.
Các doanh nghiệp mía đường đang phải đối mặt với sức ép của đường ngoại nhập lậu giá rẻ, giá bán sản phẩm thấp, trong khi giá thành sản xuất cao.

Hạ mục tiêu doanh thu, lợi nhuận

Niên vụ 2018 - 2019 (1/7/2018 - 30/6/2019), Công ty CP Đường Kom Tum đặt mục tiêu doanh thu 763,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,64 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo gửi cổ đông mới đây, tổng doanh thu thực tế của Công ty niên vụ này mới đạt 333,24 tỷ đồng, bằng 43,64% mục tiêu; lợi nhuận sau thuế đạt 4,526 tỷ đồng, bằng 68,12% mục tiêu.

Lãnh đạo Công ty CP Đường Kom Tum lý giải, các doanh nghiệp mía đường trong nước, trong đó có Đường Kom Tum phải đối mặt với sức ép của đường ngoại nhập lậu giá rẻ, giá bán sản phẩm thấp, trong khi giá thành sản xuất cao. 

Do vậy, niên vụ 2019 - 2020 (1/7/2019 - 30/6/2020), Đường Kom Tum giảm mục tiêu kinh doanh với mức doanh thu 486,56 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,24 tỷ đồng.

Thuận lợi hơn Đường Kom Tum, niên vụ năm 2018 - 2019, Công ty CP Mía đường Sơn La đạt 890,2 tỷ đồng tổng doanh thu và 63,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn so với kế hoạch đề ra. Dẫu vậy, bước sang niên vụ 2019 - 2020, Mía đường Sơn La cũng hạ mục tiêu, chỉ còn 863,9 tỷ đồng tổng doanh thu và 25,53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 2% và 60% so với kết quả thực hiện của niên vụ trước.

Sở dĩ Mía đường Sơn La phải hạ mục tiêu, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, vì ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ lượng đường nhập lậu tăng mạnh, chủ yếu từ Thái Lan. Trong khi đó, hiện trong nước còn tồn kho khoảng 700.000 tấn đường, doanh nghiệp càng sản xuất nhiều, càng có nguy cơ thua lỗ. Năm 2019, cả nước chỉ còn 36 nhà máy đường, trong đó 17 nhà máy thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Hơn nữa, Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ tạo thêm một thách thức lớn cho ngành mía đường Việt Nam.

Nỗi lo về ATIGA đang đến gần

Không riêng Công ty Mía đường Sơn La, hay Đường Kom Tum, hầu hết doanh nghiệp mía đường Việt Nam đều đang đứng trước thách thức rất lớn. Việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết trong ATIGA đồng nghĩa, từ sau ngày 1/1/2020, đường từ Thái Lan với mức giá chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch tràn vào Việt Nam, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20% khiến doanh nghiệp đường trong nước và 33 vạn hộ nông dân chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh. Do đó, VSSA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thêm thời hạn bỏ thuế suất 3 - 5 năm.

Thế nhưng, theo quan điểm của Bộ Công thương, không thể hoãn xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA từ ngày 1/1/2020 là không thể trì hoãn thêm. Vì thế, những kiến nghị của các doanh nghiệp đường hiện nay sẽ là rất khó thực hiện.

Để triển khai thực hiện lộ trình hội nhập đảm bảo đầy đủ, đúng lộ trình, thực thi hiệu quả các cam kết, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh cũng như lợi ích của tất cả các bên có liên quan, Bộ Công thương cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu đường, góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, qua đó giúp doanh nghiệp đường phát triển và hội nhập.

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sự chuẩn bị của ngành mía đường cho thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào ngày 1/1/2020 theo ATIGA chưa đủ độ “chín”. Do vậy, VSSA đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp ứng phó với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường.

Trong đó, đề nghị chỉ cho phép nhập đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép nhập khẩu để theo dõi lượng nhập nhằm đảm bảo điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định; dừng đấu thầu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019; kịp thời đề xuất biện pháp phòng vệ hoặc chống bán phá giá theo Luật Quản lý ngoại thương.

Doanh nghiệp mía đường: Đối mặt phá sản nếu dừng bảo hộ
Tồn kho lớn, cộng với nguy cơ bị đường nhập ngoại tràn vào “đè bẹp”, khi hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN được dỡ bỏ, đang đe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư