Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Mỹ tổn thất nặng nề khi giá dầu giảm xuống mức âm
PV (TTXVN/Vietnam+) - 21/04/2020 15:04
 
Mức giá âm nói trên cùng với tình trạng hỗn loạn diễn ra liên tục trên thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây cho thấy "vàng đen" đang nhanh chóng mất đi giá trị khi nguồn cung đang áp đảo nhu cầu.
Doanh nghiep My ton that nang ne khi gia dau giam xuong muc am hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường dầu mỏ bắt đầu một tuần mới ảm đạm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ với mức giảm chưa từng thấy trong lịch sử, khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 của Mỹ giảm xuống mức -37,63 USD/thùng chốt phiên ngày 20/4. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà kinh doanh sẵn sàng trả tiền để khách hàng mua dầu của họ.

Mức giá âm nói trên cùng với tình trạng hỗn loạn diễn ra liên tục trên thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây cho thấy "vàng đen" đang nhanh chóng mất đi giá trị khi tình trạng nguồn cung dư thừa áp đảo nhu cầu giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên khắp các nước trên thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng tích trữ chờ giá dầu cao hơn vào cuối năm khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ đang dự trữ dầu thô với hy vọng rằng họ có thể bán với giá cao hơn sau khi các nước bắt đầu phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, khi không còn khả năng lưu trữ, họ buộc phải bán dầu với giá rẻ khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng giao vào tháng Năm.

Giá dầu của các hợp đồng giao tháng Sáu vẫn là 21,40 USD/thùng và trong tháng Tám là 29,15 USD/thùng. Ở các thị trường khác, giá dầu thô Brent là giá chuẩn tại thị trường châu Âu dù giảm mạnh, nhưng kết thúc phiên giao dịch 20/4 cũng vẫn ở mức trên 25 USD/thùng.

Cùng với việc bán tháo trên thị trường, giá dầu giảm sâu là do thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa. Các hoạt động kinh tế và công nghệ bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Hiện lượng dầu tồn trong các kho chứa dầu của Mỹ ở Cushing đã tăng 9% trong tuần (tính tới ngày 17/4), khoảng 61 triệu thùng.

Vấn đề lớn hiện nay chính là sự chênh lệch giữa cung và cầu. Viện Dầu khí Mỹ (API) ước tính sản lượng dầu toàn cầu vẫn còn khoảng 100 triệu thùng/ngày, song nhu cầu đã giảm xuống 70 triệu thùng/ngày. Cũng theo ước tính của API, khả năng lưu trữ của Mỹ là khoảng 825 triệu thùng và lưu trữ thực tế trước đây chưa bao giờ vượt quá 500 triệu thùng. Hiện vẫn có kho lưu trữ tối đa 100 triệu thùng.

Các công ty lọc dầu đều đang xử lý dầu thô với mức ít hơn bình thường, vì vậy hàng trăm triệu thùng dầu bị đẩy vào các kho chứa trên toàn thế giới. Một số nhà buôn thậm chí đã phải thuê tàu neo đậu chỉ để chứa dầu thừa. Hiện vẫn còn lượng dầu kỷ lục, ước tính 160 triệu thùng đang nằm trong két chứa trên toàn cầu.

Như vậy, áp lực giảm giá sẽ diễn ra trong nhiều tuần hoặc lâu hơn cho đến khi đại dịch được kiểm soát và kinh tế tăng trưởng trở lại. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà Mỹ vừa ký với Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác sẽ giúp giảm bớt nguồn cung dư thừa, song thỏa thuận này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 và hoàn toàn có tính tự nguyện.

Theo kế hoạch, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang Texas là Ủy ban Đường sắt (RRC) sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 21/4 để xem xét về hạn ngạch sản xuất vốn đã được áp đặt từ những năm 1970. Tuy nhiên, cũng không chắc chắn việc bang Texas giảm sản xuất dầu sẽ có tác động đến giá dầu toàn cầu tại thời điểm này.

Điều này báo hiệu những tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Các ngân hàng lớn và cơ quan quản lý sẽ phải theo dõi những khoản lỗ giao dịch ngân hàng bên cạnh các khoản lỗ sắp tới từ những khoản vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất dầu.

Giới chuyên gia dự báo số lượng giàn khoan trong ngành sản xuất dầu mỏ sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 hoặc tệ hơn. Nhiều nhà sản xuất lớn có thể tránh phải bán dầu với giá thấp ít nhất trong vài tháng, song những nhà sản xuất dầu nhỏ mà vay nợ nhiều có thể sẽ bị phá sản.

Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản.

Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều yêu cầu tăng thuế đối với dầu nhập khẩu để giúp các nhà sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, dầu nước ngoài hiện đang được nhập khẩu số lượng lớn, bởi các nhà máy lọc dầu của Mỹ được trang bị để xử lý dầu thô từ nước ngoài nhiều hơn là loại được sản xuất trong nước. Vì vậy, thuế quan cũng sẽ làm giá dầu ở Mỹ cao hơn so với các nước trên thế giới và điều này sẽ làm tổn thương đến những ngành công nghiệp tiêu thụ dầu./.

Lý do giá dầu xuống âm
Nhu cầu tê liệt, kho dầu đầy và thị trường dịch chuyển theo hướng giá tương lai cao hơn giá giao ngay cùng hội tụ khiến giá dầu chìm sâu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư