Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành giấy hết thời đủng đỉnh
Vũ Anh - 17/09/2013 15:25
 
Dù 2013 là năm cực kỳ khó khăn với ngành giấy và bột giấy Việt Nam, song các khoản đầu tư vào ngành này vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp ngành giấy xem ra đã hết thời đủng đỉnh.

Đầu tháng 5/2013, công ty sản xuất giấy làm bao bì lớn nhất thế giới là Nine Dragons Paper Holdings công bố sẽ lắp đặt một máy xeo mới ở Công ty TNHH Xưởng Giấy Chánh Dương, công ty con của Nine Dragons Paper Holdings với công suất 350.000 tấn/năm.

Các khoản đầu tư vào ngành giấy vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là
từ nhà đầu tư nước ngoài

Trong Triển lãm Thương mại quốc tế chuyên ngành về sản phẩm kỹ thuật, máy móc, hoá chất sản xuất giấy và bột giấy (Paper Vietnam 2013) hồi tháng 6/2013, hàng loạt thông tin về khả năng đầu tư xây dựng các dự án mới trong những năm tới của các nhà đầu tư nước ngoài được công bố.

Các doanh nghiệp trong nước cũng không ngoài vòng đua tranh.

Một số dự án đầu tư mới của các công ty trong nước cũng đang khẩn trương thực hiện.

Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, Công ty TNHH Giấy & Bao bì Đồng Tiến… đã công bố dự án đầu tư mới trong những năm tới.

Đặc biệt, sự hấp dẫn trong lĩnh vực sản xuất bột giấy của Việt Nam đang nổi lên trong đánh giá của giới đầu tư khi Việt Nam giữ vững vị trí 3 năm liền là nước xuất khẩu dăm mảnh lớn nhất thế giới, với lượng dăm xuất khẩu năm 2012 là 6 triệu tấn (tương đương 2,7 triệu tấn bột).

Công ty China Paper Corporation đang bày tỏ sự quan tâm tới sản xuất bột giấy và kế hoạch xây dựng một nhà máy ở khu vực miền Trung.

Theo nhận định của ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, thị trường giấy và bột giấy Việt Nam sẽ tiếp tục nóng lên, cạnh tranh gay gắt hơn khi Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia và New Zealand có hiệu lực đầy đủ vào năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký vào năm nay, mà Việt Nam là một thành viên.

“Để cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước buộc phải nhanh chân hơn, tăng cường đầu tư vào dây chuyền sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Bảo nói.

Tuy nhiên, khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành phải tính tới đó là sự giảm sút của nguồn cầu. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất không hết công suất, chi phí ngày càng tăng.

Tính đến thời điểm này, tổng mức tiêu thụ của ngành giấy Việt Nam giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng giấy in báo giảm mạnh nhất do người dân tiết kiệm chi tiêu và doanh nghiệp tiết kiệm quảng cáo trên báo hoặc chuyển sang các hình thức khác… Phân khúc giấy tráng phấn cao cấp cũng giảm tới 34,5%.

Song một tín hiệu tốt đang nổi lên, đó giấy nhập khẩu giảm dần. Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giấy nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm tới 12% so với cùng kỳ, nhất là giấy in báo và giấy tráng phấn cao cấp. “Điều này chứng tỏ chất lượng giấy nội đang cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại”, ông Bảo nhận định.

Đặc biệt, xuất khẩu giấy vẫn giữ được tăng 15% do thị trường ổn định. Trong đó, hai thị trường chính là Đài Loan (chuyên giấy vàng mã) và Hoa Kỳ (chuyên vở tập, giấy văn phòng) có tốc độ tăng trưởng đều đặn.

Ai đã thế chân nhà đầu tư Nhật tại Giấy Sài Gòn?
Theo thông tin từ ông Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Công ty Giấy Sài Gòn (SGP), Daio vừa chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đầu tư tại SGP cho nhà đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư