Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành nông nghiệp: Tìm cách mở gói hỗ trợ tín dụng
Thu Phương - 08/04/2020 10:38
 
Khó khăn nhất của doanh nghiệp lúc này là thiếu vốn do phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng tiếp cận được các nguồn tín dụng hỗ trợ còn khó khăn hơn.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất cần nguồn vốn hỗ trợ để duy trì sản xuất.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất cần nguồn vốn hỗ trợ để duy trì sản xuất.

Quay cuồng tìm vốn

Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức mới đây đã không kết thúc ngay sau khi văn bản tổng hợp ý kiến được Ban thư ký công bố. Các doanh nghiệp trao đổi sôi nổi, dù chỉ nhìn được nhau qua các màn hình và âm thanh nhiều khi không thực rõ.

“Hiệp hội phải có kế hoạch làm việc ngay với ngân hàng, có thể trực tiếp với đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, để làm sao doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Lúc này, khó khăn nhất của doanh nghiệp là nguồn vốn vì khách hàng muốn trả chậm; nông dân, nhà cung cấp muốn lấy tiền ngay, còn ngân hàng thì mới có chính sách...”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Nafoods nhắc lại nhiều lần khuyến nghị này.

Trước đó, ông Hùng đã đặt nghi ngờ vào hiệu quả thực tiễn của gói tín dụng ưu đãi lãi suất trị giá 280.000 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại cam kết.

“Nghe thông tin thì vui, nhưng đến làm việc tại các ngân hàng thì mọi việc không đơn giản. Nhân viên ngân hàng lo ngại thủ tục nên làm khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay. Covid-19 lan nhanh mà chính sách thì chậm quá”, ông Hùng thẳng thắn.

Nafoods vẫn là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong quý I/2020, với mức tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nên ông Hùng còn quan tâm đến việc vay vốn. Nhiều hội viên của VIDA đã công bố mức giảm doanh thu tới 70% so với giai đoạn trước dịch, còn tỷ lệ trung bình là giảm 30-50% doanh thu trong quý I/2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nông nghiệp đang là nơi có thể hấp thụ được vốn, vì là ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu. Người dân có thể 10 năm không mua ô tô, 3 năm không may quần áo, nhưng không thể nhịn ăn hàng ngày.

Lúc này, áp lực về tài chính lãi vay đang là gánh nặng lớn nhất, khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định, nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Nhưng, ông Hùng kể, khi doanh nghiệp đến hỏi thủ tục, có nơi khuyên doanh nghiệp không nên giãn thời gian trả nợ, vì sẽ bị đưa vào hồ sơ của doanh nghiệp ở ngân hàng và sẽ không hay cho doanh nghiệp về sau vì bị cho là có nợ xấu...

“Chúng tôi đã lên làm thủ tục xin gia hạn khoản vay đến hạn vào tháng 3, để được hoãn đến tháng 6 cũng nhận được câu trả lời... từ từ”, ông Hùng chia sẻ.

Thực tế này khiến mong muốn có thêm các khoản vay ngoài hạn mức để doanh nghiệp có thể tiếp tục thu mua lúa gạo, đưa vào kho dự trữ, chuẩn bị lượng hàng xuất khẩu sau khi dịch được không chế của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An trở nên xa vời hơn.

Cần gói tín dụng cho nông nghiệp

“Chúng ta nên có kiến nghị về gói tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp, gửi Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc cần phải làm ngay”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Phó chủ tịch VIDA đề xuất, bên cạnh khuyến nghị cho phép doanh nghiệp giãn các khoản bảo hiểm, thuế... phải đóng.

Trong kế hoạch của ông Hoàng Anh, các doanh nghiệp sẽ phải có đề xuất cụ thể nhu cầu và cả điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, làm cơ sở cho kiến nghị. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ sẽ lựa chọn khách hàng phù hợp với các điều kiện, yêu cầu đảm bảo an toàn, chứ không buộc phải đáp ứng mọi khách hàng. Điều này có nghĩa, khi doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra như hiện tại, cơ hội tiếp cận vốn chắc chắn là khó.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, các gói tín dụng hỗ trợ đều có đối tượng là doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng để tiếp cận được, các doanh nghiệp phải làm việc với từng ngân hàng để nắm bắt các điều kiện.

“Trong 3 báo cáo gần đây trình Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu cụ thể các vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp”, ông Toản thông tin

Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch VIDA, doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có lợi thế để đặt vấn đề về gói tín dụng riêng.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nông nghiệp đang là nơi có thể hấp thụ được vốn, vì là ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu. Người dân có thể 10 năm không mua ô tô, 3 năm không may quần áo, nhưng không thể nhịn ăn hàng ngày.

“Đây là lúc doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... Khi bình thường, có thể doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc này, nhưng lúc này có thể triển khai nhanh và hiệu quả, để tận dụng thị trường trong nước khi các hàng nhập khẩu đang thiếu và sẽ là cơ hội để nhanh chóng trở lại xuất khẩu khi các đối thủ còn đang phải chống dịch”, ông Bình chia sẻ quan điểm.

Hiện tại, VIDA đã làm việc với một số ngân hàng, mới nhất là ký kết hợp tác với BIDV, để có cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho hội viên.

“Việc trao đổi với các ngân hàng sẽ tiếp tục. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi các nội dụng khuyến nghị về gói tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp trước khi gửi Thủ tướng”, ông Bình nói thêm.

Doanh nghiệp nông nghiệp than khó về thủ tục hành chính và vốn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có chuyến công tác nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư