Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp nông nghiệp gửi nhiều kiến nghị lên Thủ tướng
Khánh Linh - 07/06/2018 21:05
 
Đề nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi câu hỏi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã được các doanh nghiệp hưởng ứng.

Theo kế hoạch, ngày 25 - 26/6 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các doanh nghiệp gửi ý kiến.

“Điều cần nhất hiện nay cho đầu tư và phát triển nông nghiệp là một khuôn khổ pháp lý, đầy đủ và đồng bộ. Nói cách khác là phải có một bộ luật riêng giành cho đầu tư và phát triển nông nghiệp, không để việc đầu tư và phát triển nông nghiệp bị nhiều bộ luật khác chi phối, điều chỉnh, chồng chéo. Câu chuyện con gà hay quả trứng có trước cần phải chấm dứt”, ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 muốn gửi đề xuất tới Thủ tướng.

Theo quan điểm của ông Thắng, bộ luật này được tích hợp từ các luật hiện hành, có nội dung chi phối đến hoạt động đầu tư và phát triển nông nghiệp, được chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ và gắn với những cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và người dân, có sức hút hấp dẫn mạnh mẽ nhà đầu tư và người dân đầu tư vào nông nghiệp.

Mục tiêu của ông Thắng là chấm dứt tình trạng dự án đầu tư vào nông nghiệp bị cản trở bởi những quy định không phù hợp với đặc thù của ngành. Khó khăn nhất, theo ông Thắng, đó là các quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường của Luật Tài nguyên môi trường và quy định lập thủ tục quy hoạch chi tiết, thủ tục cấp phép xây dựng của Luật Xây dựng,

“Chỉ riêng việc xác định thủ tục nào làm trước, làm sau đã gây nhiều tranh luận, khó nhất quán, làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư”, ông Thắng nói.

Thực tế này gây rủi ro pháp lý khá lớn cho doanh nghiệp nông nghiệp. Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam thậm chí còn nói đến từ sợ khi đề cập đến sự an tâm trong kinh doanh.

“Chúng tôi rất sợ. chúng tôi có thể tự kỳ kết được hợp đồng, nhưng chúng tôi cần tự tin về cơ chế tài chính và thông tin thị trường. Chúng tôi đang phải mày mò, nên vừa thiếu vừa rủi ro, chi  phí lớn”, ông Thắng nói.

Trong số các kiến nghị gửi tới Thủ tướng, có lẽ bà Nguyễn Thị Thành Thực là nhân vật khá đặc biệt khi giới thiệu là thương lái. “Tôi là một thương lái, không phải là doanh nghiệp. Chắc ít người như tôi có mặt ở đây, nhưng kinh nghiệm thương lái của tôi cho thấy, muốn bán hàng thì phải đi ra chợ. Hiện tại, tôi thấy nông sản của chúng ta như một cô gái quê danh giá, cứ ngồi nhà dợi người ta đến hỏi”, bà Thực nói.

Đây là lý do bà Thực cho rằng, điều cần nhất để nông sản xuất khẩu được là phải hiểu các thị trường, đến tận nơi và làm tận lực.

"Người dẫn dắt thương mại là người quyết định khâu sản xuất. Chợ thương mại là át chủ bài. Tại sao chúng ta không làm chợ điện tử?", bà Thực đặt vấn đề.

Còn ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Central Group thì gửi kiến nghị về khâu sau thu hoạch với nhiều giải pháp đưa ra. “Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp, như vải, thanh long rất có tiếng, nhưng phải bảo quản để có thể đến được các thị trường an toàn, đúng chất lượng”, ông Hải nói.

Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị bàn về tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp
Đây là thông tin từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, chuyên đề nông nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư