Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp phản hồi: Quyết định cách ly người về, đến từ TP.HCM của Đồng Nai chưa thỏa đáng
Hồng Phúc - 05/06/2021 09:59
 
Không phải tỉnh đầu tiên khu vực phía Nám áp dụng quy định cách ly y tế người từ TP.HCM nhưng quy định này của tỉnh Đồng Nai đang khiến cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng phản đối.

Hôm qua ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản hỏa tốc thông báo về việc cách ly người về/đến từ TP.HCM (số 6180/UBND- KGVX).

Theo đó, từ 0 giờ hôm nay, Đồng Nai áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) thời gian 21 ngày đối với những người từ TP.HCM về và đến Đồng Nai (trừ các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế). 

Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 (người cách ly trả phí). Người không chấp hành sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định.

Trong thời gian này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đến TP.HCM.

Trừ những trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP.HCM và chiều ngược lại (bao gồm xe hợp đồng, du lịch, taxi, tuyến cố định).  

.
Các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao TP.HCM lên tiếng phản đối quy định trong văn bản 6180/UBND- KGVX của Đồng Nai (Ảnh minh hoạ: Hoạt động của Công ty Geneworld tại Khu công nghệ cao TP.HCM).

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, phó trưởng Ban phòng chống dịch tỉnh Đồng Nai lý giải thêm về văn bản trên. Cụ thể, từ ngày 5/6, những người từ vùng dịch TP.HCM lên Đồng Nai có 2 quyền lựa chọn. Một là ở Đồng Nai làm việc bình thường hoặc ở TP.HCM làm việc online. 

Còn những người ở Đồng Nai làm việc ở TP.HCM, đi về trong ngày buộc phải lựa chọn, một là thuê nhà ở lại TP.HCM để làm việc tại TP.HCM trong thời gian này hoặc ở Đồng Nai và làm việc trực tuyến. Không đi, về giữa Đồng Nai và TP.HCM như trước. 

Vị này cũng khẳng định, việc vận chuyển hàng hóa không có gì cản trở. Ví dụ, tài xế đến Đồng Nai giao hàng chỉ cần khai báo y tế rồi về TP.HCM, không phải cách ly 21 ngày. Tuy vậy, những doanh nghiệp có tài xế chở hàng hóa thiết yếu phải có phương án phòng chống dịch bệnh cho tài xế.

Phó trưởng Ban phòng chống dịch tỉnh Đồng Nai cho rằng tỉnh phải áp dụng biện pháp trên vì trên địa bàn có hơn 10.000 chuyên gia, lao động từ TP.HCM đến làm việc. 

Nếu để số lượng người này đi đi, về về chắc chắn ở Đồng Nai sẽ có các ổ dịch, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai quyết liệt chống dịch như tinh thần của Thủ tướng là tấn công ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, đại diện tiếng nói cho doanh nghiệp hội viên từ Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM và Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, Hiệp hội logsitics Việt Nam cho rằng, quy định trên của Đồng Nai là chưa thoả đáng. 

Và quyết định trên có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của người lao động, nhà cung cấp nguyên vật liệu và gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Không nắm được số lượng lao động trong khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) phải đi, về giữa TP.HCM và Đồng Nai hằng ngày, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý SHTP đã kiến nghị UBND TP.HCM làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để có phương án vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.

“Bên cạnh việc lên tiếng phản đối quy định trên, doanh nghiệp cũng đang tính đến phương án tìm kiếm các chung cư, khu để lao động ở lại, ăn ngủ nghỉ tại nơi làm việc”, bà Loan cho biết.

Bà Loan cho biết, các doanh nghiệp trong SHTP (đặc biệt các doanh nghiệp FDI lớn- PV) lên tiếng phản đối quy định trên của Đồng Nai vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi làm việc của người lao động và các nhà cung cấp vật liệu cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại SHTP. 

Mặt khác, Ban quản lý SHTP viện dẫn Chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 16 khi thực hiện giãn cách xã hội để phản đối quy định trên của Đồng Nai. 

Cụ thể, theo Chỉ thị số 16, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. 

Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, hiện có hơn 6000 người lao động cư trú trên tỉnh Đồng Nai hàng ngày di chuyển đến các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM (Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam) để làm việc. 

Đồng thời, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai- TP.HCM. 
Trong đó, có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP.HCM. 

“Việc thực hiện các nội dung trong công văn nêu trên của tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp. Việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì được sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong HEPZA”, ông Hưng kiến nghị với UBND TP.HCM.

Sau khi nhận được phản ánh từ SHTP, Hepza,…ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ngay lập tức đề nghị Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế nghiên cứu ngay tình hình thực tế văn bản mà UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, tham mưu khẩn cấp cho UBND TP.HCM có công văn gửi Đồng Nai để cùng giải quyết vấn đề này một cách hợp lý nhất, tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và lưu thông hàng hoá. 

Đêm qua, chỉ còn vài tiếng trước khi quy định nêu trên của Đồng Nai có hiệu lực, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) liên tục nhận các phản ánh từ doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bấn loạn vì lệnh “cách ly” của Đồng Nai, Long An. Các doanh nghiệp kể với chúng tôi, họ gọi điện tới các đường dây của chính quyền thì không ai bốc máy, Khi gọi được thì thì doanh nghiệp nhận xét "trả lời như gà mắc tóc, không giúp gì được doanh nghiệp”, bà Thuỷ chia sẻ.
TP.HCM đề nghị Đồng Nai điều chỉnh phương án giao thông vận tải giữa hai địa phương
Đầu giờ sáng nay, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị điều chỉnh phương án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư