Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp phần mềm chinh phục thị trường tỷ USD
Tú Ân - 09/02/2023 08:11
 
Các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như FPT, CMC, Rikkeisoft... đang tiếp tục chinh phục những thị trường nước ngoài với nhiều mục tiêu tham vọng.

Tăng tốc mở rộng thị trường

Ngày đầu tháng 2/2022, Rikkeisoft công bố thành lập Công ty RKTech, đặt văn phòng tại TP. Plano (Texas, Mỹ) với mục tiêu phát triển, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin giá trị cao và toàn diện cho thị trường công nghệ lớn nhất thế giới. 

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Rikkeisoft chia sẻ: “Mỹ là thị trường công nghệ số 1 thế giới với quy mô hơn 1.800 tỷ USD/năm. Các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đều thành công ở Mỹ. Đó là thách thức lớn với Rikkeisoft, nhưng với khát vọng cùng quyết tâm cao, chúng tôi tin rằng, trong vòng 5 năm, RKTech sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD ở thị trường này. Bên cạnh đó, năm 2023, chúng tôi tiếp tục mở thêm các văn phòng ở Nhật Bản và Thái Lan.

“Ông lớn” FPT Software cũng vừa mở thêm các văn phòng tại Đan Mạch, Thái Lan, New York (Mỹ)…, nâng tổng số văn phòng thuộc mạng lưới của mình trên toàn thế giới vượt con số 60. Sau khi đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 800 triệu USD trong năm 2022, FPT Software đang hướng tới mốc 1 tỷ USD trong năm 2023.

Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng Quản trị FPT cho biết, thời gian qua, FPT Software liên tục mở rộng thị trường và đến nay đã có mặt tại 26 quốc gia.

“Nhân viên FPT có tinh thần quyết chiến, máu lửa, không ngại khó, không ngại khổ, có mặt ở bất cứ đâu, miễn là ở đó có cơ hội, kể cả những nơi xa xôi như quần đảo Okinawa và đảo cực Bắc Hokkaido của Nhật Bản. Đồng thời, FPT Software có chiến lược đúng, tiếp cận ngay vào những công nghệ mới nhất, ‘hot’ nhất, có nhu cầu cấp thiết nhất của khách hàng, đó là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và robotic”, ông Bảo phân tích.

Trong khi đó, CMC Global (thuộc Tập đoàn CMC) cũng nhanh chóng vươn lên, đứng trong top 3 doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trên thị trường Việt Nam, đạt doanh số hơn 1.300 tỷ đồng và có hơn 300 đối tác, khách hàng từ các thị trường quốc tế. Công ty đang có hơn 2.000 nhân viên làm việc tại 10 văn phòng ở Việt Nam, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

“CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đẳng cấp quốc tế với doanh thu tỷ USD và quy mô hơn 10.000 nhân sự. CMC sẽ kiên định với hướng đi là nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC chia sẻ.

Năm 2022, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD, trong đó, doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt trên 3,7 tỷ USD. Hiện nay, tổng số nhân lực toàn ngành công nghệ thông tin Việt Nam khoảng 300.000 người. Mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm đang rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp Việt, sở hữu lợi thế lớn về chất lượng và giá cả.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho hay, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam có thứ hạng cao, đứng trong top 10 thế giới và đang hướng đến mục tiêu cán mốc 50 tỷ USD doanh thu vào năm 2030; đạt 150 tỷ USD vào năm 2045.

Dư địa thị trường còn rất lớn

Những năm trước, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing) cho các công tuy nước ngoài với lợi nhuận thấp, nhưng thời gian gần đây, điều này đã thay đổi.

Ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh, hiện FPT không còn là công ty outsourcing thuần tuý. FPT Software đi theo con đường của TCS, Infosys, HCL, Wipro của Ấn Độ và đang đi đúng hướng, đã có sản phẩm “made by FPT” và gia nhập thị trường sản xuất chip, đã cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ ERP (quản trị nguồn nhân lực) và có những hợp đồng trọn gói giá trị lên đến 100 - 150 triệu USD.

Con đường của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực phần mềm Ấn Độ cũng bắt đầu từ outsourcing, sau đó dần tích luỹ về công nghệ, nghiệp vụ, chuyên gia…, rồi tiến lên làm hợp đồng trọn gói, phần mềm theo nghiệp vụ ngành (domain), dịch vụ tư vấn cao cấp, sản phẩm phần mềm.

“Cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn. Năm 2022, ngành xuất khẩu phần mềm đã mang về 200 tỷ USD cho Ấn Độ (tương đương 50% GDP của Việt Nam). Chúng ta không chỉ xuất khẩu dịch vụ outsourcing phần mềm. Phần mềm ‘made by Vietnamese’ đã bán ở khắp thế giới, chuyên gia Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn, triển khai đi khắp thế giới…”, ông Bảo chia sẻ.

Định hướng phát triển cho doanh nghiệp phần mềm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 20 năm trước, khi các doanh nghiệp Việt bước vào sân chơi cung cấp dịch vụ phần mềm, là thời của công nghệ thông tin, của phần mềm, của ứng dụng công nghệ thông tin, còn hiện nay là thời của công nghệ số, chuyển đổi số. Công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Quốc gia về công nghiệp công nghệ số.

Khẳng định, 10 năm tới là giai đoạn của những chuyển dịch quan trọng: từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang ‘make in Vietnam’; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, Vinasa cần bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sang Nhật Bản mở chi nhánh
Ngày 26/10, Ngày CNTT Nhật Bản lần thứ 10 (Japan ICT Day 2016) đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội với chủ đề: 10 năm hợp tác Việt Nam và Nhât Bản – Nhìn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư