Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp sốt sắng với 210 dự án TP.HCM mời gọi đầu tư
Hồng Sơn - 10/05/2019 08:53
 
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019, Thành phố đã kêu gọi đầu tư vào 210 dự án thuộc nhiều lĩnh vực như giao thông, hạ tầng, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí.
TIN LIÊN QUAN
.
.

4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, 210 dự án có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD. Sẽ có 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo pháp lý sử dụng đất của từng khu đất và mục tiêu đầu tư của dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài”, bà Mai thông tin.

Trao đổi với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2019, Thành phố đặt mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước, phấn đấu nâng mức tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, GRDP tăng từ 8,3 - 8,5% và thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội…

Để đạt được những mục tiêu đó, Thành phố có kế hoạch đến năm 2020, bổ sung thêm khoảng 1.000 ha cho phát triển công nghiệp, làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư. Đồng thời, trong phương án mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ tính tới việc xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ mới…

Lãnh đạo TP.HCM cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Hình thành liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp sốt sắng

Các dự án trong lĩnh vực giao thông; hạ tầng; chỉnh trang đô thị… có số lượng khá nhiều trong danh sách dự án mời gọi đầu tư và nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp.

Các Dự án trong lĩnh vực giao thông; hạ tầng; chỉnh trang đô thị… nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp.

Ông Harold Chen, Phó chủ tịch Tập đoàn Alpha King cho biết, Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) là đối tác của doanh nghiệp tại Việt Nam, đã đầu tư khoảng 800 triệu USD và nghiên cứu, tạo ra BYD Sky Rail, một hệ thống đường ray dầm ngang thích ứng tốt địa hình và hòa vào hệ giao thông thành phố dễ dàng, chiếm đất tối thiểu, có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị với chi phí xây dựng thấp hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm.

Do đó, ông đề nghị TP.HCM cho phép Alpha King và BYD nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì cho biết, các doanh nghiệp bất động sản quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 9 dự án thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất đó công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, ông Châu bày tỏ sự đồng tình khi được biết, Thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư.

Ông Linson Lim, Chủ tịch Tập đoàn Keppel Land nhìn nhận, thị trường bất động sản TP.HCM mang đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn và nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Keppel Land có khoảng 20 dự án đã được cấp phép trong cả nước, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD.

Một điều đáng mừng, ngoài các lĩnh vực được nhìn nhận là “nóng”, nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư như hạ tầng giao thông, bất động sản, chỉnh trang đô thị… đã có 14 nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến 35 dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư