Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về vốn đăng ký
Thanh Huyền - 04/05/2019 20:43
 
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký.

Chiều 4/5, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ hôm nay do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; và một số vấn đề khác…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 và thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,23% so với cuối năm 2018; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm.

Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Đây là những chỉ dấu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta tiếp tục được cải thiện tốt hơn.

Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5 (Ảnh: VGP)
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5 (Ảnh: VGP)

Bên cạnh những kết quả nói trên, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Trong nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước; sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng thấp hoặc giảm như linh kiện điện thoại giảm 24,6%, dầu thô khai thác giảm 8,3%...; dẫn tới sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương giảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 17.000 doanh nghiệp, tăng 19,7%; 5.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 12,9%.

Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước giảm 30,6% (Bộ Giao thông Vận tải giảm 57,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 29,1%...)

Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm do xuất khẩu của khối FDI tăng chậm so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,2%; thủy sản giảm 1,3%; cà phê giảm 22,6%; hạt điều giảm 16,9%; gạo giảm 21,7%; hạt tiêu giảm 12%...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01, 02, Nghị quyết 35 và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, một số giải pháp là: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; có phương án căn cơ để giải quyết việc xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản, chú trọng mặt hàng cá tra; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…

[Infographic] 4 tháng năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 12,4 tỷ USD
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 12,4 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ 2018. Trong đó, nhóm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư