Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp “thoi thóp” vì bị giam tiền thuế
Anh Việt - 04/06/2023 08:27
 
Doanh nghiệp đang có vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng vui mừng khi được Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Dù vậy, họ vẫn đau đáu, liệu doanh nghiệp của mình sớm được tháo gỡ ách tắc?
Bốc xếp tinh bột sắn tại Công ty An Phát
Bốc xếp tinh bột sắn tại Công ty An Phát.

Ngỡ ngàng khi hồ sơ bị ách lại

Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát đã có hàng chục năm kinh doanh tinh bột sắn. Khi mua tinh bột sắn của doanh nghiệp sản xuất trong nước để xuất khẩu, Công ty phải thanh toán tiền hàng và 10% thuế VAT cho nhà cung cấp. Theo quy định, số tiền 10% thuế VAT phải được hoàn lại sau khi hàng được xuất khẩu.

Công ty đã thực hiện 31 kỳ hoàn thuế VAT, nhưng đến kỳ 32 - 33 vào tháng 2/2020, việc hoàn thuế VAT bị ách lại, dù hồ sơ giống 31 kỳ trước, số tiền đề nghị hoàn thuế gần 12 tỷ đồng. Trong 2 kỳ này, Công ty đã xuất khẩu 12.317,45 tấn tinh bột sắn cho cá nhân và doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty An Phát cho biết, qua 31 kỳ hoàn thuế VAT, doanh nghiệp không vi phạm thuế, vậy tại sao năm 2019, Cục Thuế Hà Nội yêu cầu Công ty cung cấp thông tin căn cước công dân khách hàng Trung Quốc gửi sang cơ quan thuế của Trung Quốc để xác minh. Trong khi đó, theo quy định về điều kiện được khấu trừ thuế, hoàn thuế, không có bất cứ điều khoản nào yêu cầu phải xác minh khách hàng nước ngoài trả lời đúng khớp với doanh nghiệp xuất khẩu mới được khấu trừ, hoàn thuế VAT.

Ngày 11/2/2020, cơ quan thuế vụ của Trung Quốc có công văn trả lời cho biết, khách hàng Trung Quốc trả lời “không mua hàng của Công ty An Phát”.

Do không được hoàn thuế, An Phát đành phải dừng mảng hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn vì bị đọng vốn và không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Oái ăm là, trong khi nhiều công ty, nhà máy sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc khác tại Việt Nam đều có chung khách hàng và hình thức kinh doanh xuất khẩu như chúng tôi thì họ vẫn được hoàn thuế, khấu trừ thuế và có thời điểm được hoàn trước, kiểm tra sau.

-Ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu  An Phát

Tuy nhiên, bộ hồ sơ Công ty An Phát cung cấp cho chúng tôi chính là bộ hồ sơ doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan thuế và công an đã kiểm tra tại nơi làm việc của Công ty An Phát bao gồm hợp đồng mua bán, tờ khai hải quan, chứng từ ngân hàng, hình ảnh giao dịch trên điện thoại mạng Wechat của khách hàng Trung Quốc, các trao đổi bằng tin nhắn hình ảnh phía An Phát về số xe chở hàng, công ty hoặc cá nhân khách hàng Trung Quốc... Trên cơ sở các thông tin đó, hai bên làm hợp đồng gửi sang Trung Quốc để khách hàng ký kết và thực hiện nhận hàng hóa, sau đó, tiền được chuyển cho An Phát từ tài khoản của khách hàng (từ ngân hàng Trung Quốc chuyển về ngân hàng Việt Nam) và về tài khoản của Công ty. Trên chứng từ ngân hàng ghi đúng tên người ký hợp đồng, đúng số tài khoản trên hợp đồng, đúng nội dung, đúng cả số điện thoại trên hợp đồng và số điện thoại được sử dụng để giao dịch.

Theo Điểm b.9, khoản 3, Điều 16, Thông tư 219/2013/TT-BTC: trường hợp phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng, nhưng chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên ngân hàng phải thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu nội dung chứng từ thể hiện rõ tên người thanh toán, tên người thụ hưởng, số hợp đồng xuất khẩu, giá trị thanh toán phù hợp với hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết, thì được chấp nhận là chứng từ thanh toán hợp lệ.

“Vậy mà phía khách hàng Trung Quốc lại trả lời cơ quan thuế Trung Quốc là không mua bán với Công ty An Phát. Điều này là vô lý vì theo hồ sơ An Phát khẳng định Hợp đồng mua bán là có thật và có giao nhận hàng hóa, nên khách Trung Quốc mới phải trả tiền”, ông Khoa nêu quan điểm của An Phát.

Tại sao khách hàng Trung Quốc trả lời không đúng sự thật?

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) từng phát biểu:

"Chúng tôi đã tổ chức xác minh và nhận thấy, tinh bột sắn khi xuất khẩu được giao hàng ở trong nội địa Việt Nam. Sau khi xuất khẩu qua cửa khẩu hải quan Việt Nam, người ta bỏ ngay hồ sơ xuất khẩu đi và sử dụng giấy phép cho cư dân biên giới Trung Quốc được miễn thuế. Đây là hình thức kinh doanh theo chính sách biên mậu mà Chính phủ Trung Quốc áp dụng cho cư dân biên giới: mỗi người, mỗi ngày được mua hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới với Việt Nam trị giá không quá 8.000 nhân dân tệ hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng của cư dân biên giới không phải nộp thuế, chỉ thu phí biên giới. Các thương nhân và công ty Trung Quốc là người đã ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp Việt Nam, lấy tên của các cư dân biên giới để làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan và và cơ quan thuế, biên phòng của Trung Quốc".

Câu hỏi doanh nghiệp đặt ra là: tại sao Cục Thuế Hà Nội lại căn cứ vào câu trả lời “không mua bán với doanh nghiệp Việt Nam” của doanh nghiệp Trung Quốc để không hoàn thuế cho doanh nghiệp Việt Nam, khi cơ quan thuế Việt Nam hoàn toàn biết rằng, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng ưu đãi của chính sách biên mậu che đậy hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc?

Kiệt quệ theo hồ sơ hoàn thuế

An Phát đã cung cấp bộ hồ sơ xuất khẩu chứng minh việc mua bán giữa Công ty với khách hàng Trung Quốc là có thật, nhưng Cục Thuế Hà Nội không công nhận mà cho rằng, An Phát có dấu hiệu gian lận về hoàn thuế VAT, xuất khẩu khống hàng hóa, hoặc xuất hàng xong rồi lại “quay đầu” tại kỳ hoàn lần thứ 32 và 33. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát kinh tế (C03- Công an TP. Hà Nội) xác minh từ ngày 22/5/2020.

Ông Khoa khẳng định, điều này không thể xảy ra, vì tinh bột sắn là mặt hàng nặng, chi phí cho việc vận chuyển hay bốc vác quay trở lại để bán nội địa là lỗ, không hưởng lợi, mặt khác, tinh bột sắn là nguyên liệu sản xuất, không phải hàng tiêu dùng để tiêu thụ trên thị trường.

Khi cơ quan công an tiến hành điều tra, vào thời gian tháng 8/2020, Công ty An Phát đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ xuất khẩu, chứng từ chuyển tiền, các chứng cứ chứng minh việc mua bán tinh bột sắn với các khách hàng Trung Quốc. Công ty An Phát còn giải trình cụ thể quy trình mua bán, giao nhận hàng hóa, cung cấp thông tin các đối tác, giải thích cụ thể chính sách biên mậu của chính quyền địa phương Trung Quốc dẫn đến lý do tại sao khách hàng Trung Quốc không dám nhận mua bán tinh bột sắn với Công ty An Phát cũng như các doanh nghiệp khác trong Hiệp hội Sắn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường biên mậu. Cơ quan cảnh sát điều tra đã đến các nhà máy, doanh nghiệp vận chuyển, doanh nghiệp cho thuê kho hàng, xác minh toàn bộ đầu vào tại Việt Nam của Công ty An Phát, cũng như xác minh toàn bộ đầu ra tại các cơ quan hải quan cửa khẩu, các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng.

Ngày 13/8/2020, theo yêu cầu của cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao gửi Yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự số 4026/UTTPHS-PC03 sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc thực hiện tương trợ tư pháp xác minh, ghi lời khai, thu thập tờ khai hải quan và chứng từ thanh toán của các thương nhân Trung Quốc. Đến ngày 15/10/2020 vẫn chưa có trả lời từ phía Trung Quốc, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra dừng điều tra và không ra kết luận cho vụ việc của Công ty An Phát. Sự việc đã rõ ràng như vậy, nhưng Cục Thuế Hà Nội vẫn không giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp bằng câu trả lời: chờ kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra.

Tổng cục Thuế sau đó đề nghị Cục Cảnh sát Kinh tế (C03 - Bộ Công an) vào cuộc để xác minh 4 doanh nghiệp trong đó có An Phát, C03 đã có công văn chỉ đạo PC03 (Công an TP. Hà Nội) tiếp tục điều tra xác minh An Phát kỳ hoàn thuế thứ 32, 33, trả lời cho cơ quan thuế.

Ngày 20/3/2023, An Phát nhận được Công văn số 181/CSKT-Đ5 ngày 18/1/2023 của PC03 (Công an TP. Hà Nội) gửi Cục Thuế Hà Nội trao đổi kết quả xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tổng hợp kết quả xác minh về đối tác, ngân hàng, tài khoản ngân hàng liên quan, giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra, xác minh tại các chi cục hải quan liên quan, hàng hóa được xuất khẩu 100% qua các cửa khẩu của An Phát và kết luận: Đúng khối lượng, giá trị hàng theo đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, Công ty An Phát vẫn chưa nhận được bất cứ trao đổi gì từ Cục Thuế Hà Nội.

Doanh nghiệp lại kêu cứu - Bài 1: Khó hoạt động bởi quy định phòng cháy chữa cháy
Nhiều quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cao hơn các nước phát triển, khiến tính khả thi thấp khi doanh nghiệp không biết phải đáp ứng ra sao…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư